Ngày 7-12, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 17, HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2020, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM Lê Hồng Sơn đã thông tin đến các đại biểu về việc NXB Giáo dục Việt Nam chi trả thù lao hằng tháng cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP trong việc phối hợp NXB này biên soạn một bộ sách giáo khoa mà báo chí phản ánh.

Ông Sơn nói: “Tôi cũng hiểu ý đồ, mục đích của bài báo nhưng tôi không dám khẳng định đây là ý đồ của phóng viên hay do một người nào khác”.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn thông tin việc nhận thù lao từ NXB Giáo dục

Đi thẳng vào vấn đề mà báo chí đề cập “cán bộ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP nhận tiền từ NXB Giáo dục thì làm sao chỉ đạo cho các đơn vị lựa chọn sách giáo khoa một cách khách quan”, tư lệnh ngành giáo dục TP cho biết khi làm bất cứ một bộ sách hay sản phẩm nào thì đều phải có nhuận bút, thù lao bồi dưỡng cho những người thực hiện. 

“Việc này liên quan đến quy chế nội bộ của NXB. Phải có phần này, chứ không có phần này thì ai làm cho họ. Mình nên thực tế và thẳng thắn nói với nhau như thế. Nếu không có những khoản thù lao thì không mời được ai tham gia cùng với họ” – ông Sơn nêu quan điểm.

Hơn nữa, ông Sơn cho biết việc lựa chọn sách giáo khoa là một câu chuyện đầy đủ cơ chế từ trên xuống dưới. Bộ GD-ĐT giao cho UBND TP chủ trì để chọn ra. Tất nhiên là UBND TP phải đưa cho Sở GD-ĐT để tham mưu. Thành phần tham gia chọn có đủ từ các thành viên, chuyên gia đến những người giảng dạy, kể cả phụ huynh. 

Ông Sơn khẳng định tất cả đều tuân thủ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT chứ không có chuyện “ép như thế này, như thế kia để chọn một bộ sách giáo khoa nào. Bản thân những người giáo viên cũng hiểu phải lựa chọn bộ sách nào là tốt nhất, bởi họ là những người trực tiếp sử dụng”.

Theo ông Sơn, chi phí bồi dưỡng, thù lao gộp nhiều năm lại thì thấy nó lớn, thấy “hơi bị khủng” chứ nó chả là gì so với tâm huyết, chất xám mà các cá nhân tham gia làm sách đã bỏ ra. Ông Sơn nhấn mạnh lần nữa tất cả cán bộ, quản lý của sở đều làm chuyên môn. Việc phối hợp cùng NXB làm sách giáo khoa chỉ vì mục đích tạo ra một sản phẩm tốt nhất cho học sinh, vì mục đích giáo dục phổ thông mới.

Thông tin thêm về việc làm sách giao khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết bắt đầu từ Nghị quyết 88 của Quốc hội cho phép từ một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa để lựa chọn. Về việc này, ông Sơn từng báo cáo trước HĐND TP ít nhất là 2 lần về mục đích, mục tiêu làm ra sách giáo khoa.

Theo ông Sơn, việc Sở GD-ĐT TP phối hợp NXB Giáo dục để thực hiện bộ sách giáo khoa là có quyết định từ Bộ GD-ĐT. Với mong muốn có một sản phẩm vừa có những cái chung của 54 dân tộc trong cả nước vừa có những nét riêng gắn với khu vực ở TP HCM và miền Nam để các em phát triển năng lực và phẩm chất nên sở đã tích cực phối hợp NXB để cho ra bộ sách giáo khoa này. 

Đối với NXB Giáo dục, họ là người làm kinh doanh. Khi họ không có đủ nhân lực thì họ cần sở hợp tác để có chuyên gia, chất xám để cho ra sản phẩm. Còn đối với Sở GD-ĐT TP, khi hợp tác với NXB thì có lợi thế là định hướng được khung, mục tiêu, giá trị trong từng môn học rồi tích hợp các môn học với nhau. 

“Chúng tôi là những con người chuyên môn, tham gia vào chuyên môn. Chúng tôi cùng ráp lại với nhau, cùng ngồi lại với NXB để thực hiện công việc đó để cho ra một sản phẩm có chất lượng” – ông Sơn trần tình. 

Liên quan đến sự việc trên, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ông đã yêu cầu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm – phụ trách mảng văn hóa, xã hội, báo cáo cụ thể. “Tôi đã yêu cầu đồng chí phó chủ tịch báo cáo. Khi có báo cáo đầy đủ, UBND TP mới có hướng chỉ đạo, xử lý đồng thời sẽ thông tin cho báo chí vụ việc này” – Chủ tịch UBND TP HCM cho hay.

Trước đó, ngày 6-12, Văn phòng UBND TP HCM đã có công văn khẩn truyền đạt yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo, đề nghị Sở GD-ĐT TP giải trình các nội dung liên quan tới việc Sở GD-ĐT TP nhận thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam.

Như báo chí đã thông tin, từ năm 2015, NXB này đã có quyết định chi thù lao cho “Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP HCM”.

Ban chỉ đạo này gồm 11 người của Sở GD-ĐT TP HCM: Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở, là trưởng ban; Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu là phó ban; còn lại đều là các trưởng, phó trưởng phòng giáo dục tiểu học, trung học; chánh văn phòng, phó chánh văn phòng. Mức chi được áp dụng cho trưởng ban là 6 triệu đồng/tháng, phó trưởng ban 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên là 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1-5-2015 cho đến nay.


Phan Anh; ảnh: Nguyễn Phan