Bác bảo: “Từ xưa, tổ tiên mình xây dựng kinh đô bên này sông Hồng là có ý cả. Bây giờ đồng bào miền Nam đang hằng ngày, hằng giờ gian khổ chiến đấu mà trái tim đang hướng cả về thủ đô Hà Nội, nếu mình dời thủ đô đi nơi khác thì đồng bào sẽ nghĩ thế nào? Thôi thì bây giờ chú cứ sang bên ấy, còn Bác ở lại bên này nhé!”. Nghe vậy, mọi người cười ồ mà thật thấm thía.

Cũng tại buổi làm việc đó, một người khác đề nghị xin chuyển Văn phòng Trung ương Đảng về nơi đặt Trường Albert Sarraut cũ vì có vườn rộng hơn, vị trí đẹp hơn. Nghe thế, Bác bảo: “Văn phòng Trung ương như thế được rồi”. Im lặng một lúc, Bác quay lại hỏi mọi người: “Thế các chú có biết Văn phòng Trung ương xây dựng chỗ nào thì tốt nhất không?”. Thấy mọi người nhìn nhau, Bác chỉ tay vào ngực mình, nói tiếp: “Xây ở trong này, trong lòng nhân dân là tốt nhất”.

Câu chuyện trên là một bài học thấm thía cho nhiều người, nhất là cán bộ lãnh đạo, những người có thể tham gia quyết định những việc như xây dựng trụ sở, chọn nơi đặt cơ quan, trụ sở hoặc tổ chức hoạt động tại trụ sở đó. Bởi lẽ, trên thực tế, không ít trường hợp trụ sở tuy không hoành tráng nhưng cán bộ ở đó luôn quan tâm chăm lo đời sống người dân, bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, tổ chức phục vụ nhân dân chu đáo, được người dân tín nhiệm, ca ngợi.

Có những nơi trụ sở cơ quan hành chính tuy nhỏ nhưng bố trí chỗ giữ xe ngăn nắp, sắp đặt phòng chờ cho người dân đến liên hệ công việc lịch sự, có quạt hoặc máy lạnh, có báo, nước uống, tivi, kể cả internet miễn phí. Nhiều nơi dành ra khoảng không gian rộng để thực hiện chào cờ và sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Trụ sở của nhiều cơ quan cũng được bài trí thân thiện với môi trường, như lấy ánh sáng tự nhiên, trồng nhiều cây xanh…

Ở nhiều nơi, từ nhân viên bảo vệ, giữ xe đến cán bộ tiếp dân đều thể hiện sự lễ phép, từ tốn, tận tình, kiên nhẫn lắng nghe và giải thích cho người dân hiểu hoặc giúp họ thực hiện đúng các đề nghị về hồ sơ, cách thức, quy trình. Việc tổ chức tiếp dân được thực hiện quy củ, theo thứ tự, có trật tự, được giám sát bằng nhiều hình thức như: giám sát lẫn nhau giữa cán bộ, công chức, camera, ghi âm, nhằm bảo đảm mọi người có thể ứng xử phù hợp, có văn hóa, văn minh. Nhiều người đến trụ sở cơ quan hành chính còn được trưng cầu ý kiến về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ở đó, thông qua phiếu khảo sát, phần mềm đánh giá, nhằm tạo điều kiện để người dân bày tỏ suy nghĩ, thái độ của mình cũng như đóng góp các ý kiến, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân tốt hơn.

Như vậy, từ “trụ sở” mang nghĩa là nơi đặt cơ quan của tổ chức Đảng, của chính quyền có thể trở thành là nơi phục vụ nhân dân.

Trở lại bài học của Bác Hồ, phải xây dựng trụ sở, với ý nghĩa cả về mặt vật chất lẫn con người, trong lòng dân là tốt nhất. Khi đó, dù trụ sở còn hẹp, quy mô còn vừa phải nhưng cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm thì vẫn là một trụ sở tốt, được nhân dân tin cậy. Có được các trụ sở như vậy sẽ góp phần làm an dân trên địa bàn, đồng thời trong trường hợp cần thiết có thể huy động được sức dân cho các phong trào cách mạng tại địa phương.


Trịnh Minh Giang