Hằng ngày, thấy cảnh thầy cô và học sinh vất vả nên ông bàn với vợ hiến gần 2.000 m2 đất mặt tiền Quốc lộ 25 để trường làm thêm 2 phòng học tạm và sân chơi.

Học sinh của trường ngày càng đông. Nhiều hôm mưa lớn, học sinh phải ngồi co ro trong những phòng học xiêu vẹo, ngập nước và gió giật. Thêm vào đó, những khu nhà mồ bao quanh trường gây cảm giác sợ hãi cho học sinh. Đặc biệt, mỗi khi làng có người chết, tổ chức bỏ mả thì việc ăn uống, đánh cồng chiêng, nhảy múa say sưa ngay sát cửa sổ lớp học làm ảnh hưởng lớn tới việc học của các em.

Là trưởng thôn, ông Ama Thiệu đưa ra ý kiến di dời khu nhà mồ đi nơi khác. Chính quyền xã, huyện đồng tình nên quy hoạch khu nghĩa địa mới cách đó chừng 3 km. Nhưng dù đã có nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền với dân làng nhưng không kết quả. Những người già trong làng bảo khu nhà mồ này có từ lâu đời, di dời đi nơi khác là cấm kỵ, sẽ bị Yang phạt.

Trưởng thôn Ama Thiệu cùng các học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Rồi sau đó có chuyện một học sinh không biết lý do gì mà chết trong khi đi chăn bò. Thầy hiệu trưởng của trường cũng đổ bệnh. Thấy vậy, dân làng đổ lỗi do trưởng thôn và thầy hiệu trưởng vận động dân di dời mồ mả nên Yang phạt. Các đối tượng xấu cũng ùa vào xúi dân chống lại.

Ama Thiệu kể những ngày đó không khác gì “cuộc chiến”, ông lúc nào cũng như ngồi trên lửa. Họp làng vận động thì nhiều người không nghe. Vợ đi làm rẫy gặp người làng thì họ tránh. Nhiều bữa người ta đi qua cứ hướng vào nhà già mà chửi. Có kẻ còn ném cả dao rựa lên mái nhà ông để dọa. Ama Thiệu chỉ biết động viên vợ con bình tĩnh chịu đựng, vì việc mình làm là đúng.

Thế rồi công an huyện vào cuộc đấu tranh, đưa các đối tượng lầm lỡ ra kiểm điểm, phân tích nên họ thừa nhận lỗi đã nghe lời xúi giục của các đối tượng xấu. Ngành y tế cũng chứng minh cháu bé bị chết bất ngờ là do bệnh tim, thầy hiệu trưởng mắc bệnh đái tháo đường cũng đã xuất viện về trường công tác bình thường. Dư luận dần lắng xuống.

Lúc này, Ama Thiệu làm thịt một con heo to, mời cả làng ăn. Bữa đó, ông tuyên bố trước dân làng là sẽ làm gương tự di dời mồ mả của cha mẹ mình trước. Nếu thần linh phạt tội dân làng thì một mình gia đình ông gánh chịu, tất cả nhà cửa, ruộng vườn của ông sẽ tùy dân làng xử trí.

Một năm sau khi ông di dời mồ mả, không ai bị việc gì, trời vẫn luôn mưa thuận gió hòa. Dân làng thấy vậy thì làm theo. Tuy nhiên, theo phong tục, di dời nhà mả là phải làm lễ cúng, trong khi dân làng đa phần là nghèo. Ama Thiệu lại đứng ra xin chính quyền địa phương hỗ trợ và được cho 100 triệu đồng để người làng mổ trâu làm lễ bỏ mả và thuê nhân công, xe máy di dời khu nhà mồ, san ủi mặt bằng cho sân trường.

Chỉ trong 3 ngày, toàn bộ hơn 100 hài cốt thuộc 22 hầm mộ trong “làng ma” ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã được di dời về nghĩa trang của xã. Rồi sau đó, nhờ Quỹ khuyến học “Đèn Đom Đóm” cùng với sự chung sức của chính quyền huyện Phú Thiện mà một ngôi trường mới khang trang với 8 phòng học đạt chuẩn quốc gia đã mọc lên trên nền khu nhà mả ngày nào.

Thầy Nguyễn Văn Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cho biết để có ngôi trường khang trang như ngày nay thì Trưởng thôn Ama Thiệu là người góp công lớn nhất. “Đó không chỉ là việc vận động dân làng xóa bỏ hủ tục để di dời nhà mồ, hiến đất mà còn là việc vận động người dân không sử dụng 2 con đường đi qua sân trường. Già Thiệu như người cha của học sinh trường này” – thầy Linh nói.


Hoàng Thanh – Nguyễn Đức

Chia sẻ