Sắp tới sẽ đại hội Đảng các cấp, chắc rằng cơ sở nào cũng mong muốn chọn được một cấp ủy đủ mạnh để hoạt động hiệu quả.

Coi trọng chất lượng

Muốn có một cấp ủy đủ mạnh, phải quán triệt thực hiện đúng tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở theo tiêu chuẩn chung đã nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị khóa XII.

Theo đó, cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đạo đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ.

Trẻ hóa cấp ủy là một yêu cầu luôn được nêu ra tại mỗi kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng. Đối với Đảng bộ cấp cơ sở, yêu cầu này càng cấp thiết vì rất cần sự năng động của tuổi trẻ. Tuy nhiên, chỉ tiêu này thường rất khó hoàn thành ở nhiều cấp ủy cơ sở do những lý do khác nhau. Đưa người trẻ vào thì cũng có nhiều ý kiến phân vân, đơn giản vì người trẻ thường được cho là ít kinh nghiệm, năng lực thực tiễn hạn chế, thường bị so sánh với những người lớn tuổi.

Khó khăn trong công tác cán bộ ở một số nơi không chỉ dừng lại ở tâm lý băn khoăn khi dùng cán bộ trẻ mà có nơi còn vướng tính cục bộ, yếu tố dòng họ, đặc biệt ở cấp xã. Chỉ khi cấp ủy và trực tiếp là lãnh đạo cấp ủy nhận thức đúng đắn về trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp dưới, sâu sát thì người trẻ mới có cơ hội và môi trường cống hiến, phát huy tính sáng tạo.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, trò chuyện với các đại biểu của cơ sở Đảng tại doanh nghiệp.Ảnh: QUANG LIÊM

Phải chỉ đạo quyết liệt

Đưa cán bộ trẻ vào quy hoạch đã khó nhưng để trúng cử lại càng khó, vì nhiều người vẫn nặng tâm lý nghĩ lớp trẻ thiếu kinh nghiệm.

Do đó, nếu không quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt thì mục tiêu trẻ hóa cấp ủy là rất khó. Chỉ khi khâu chuẩn bị nhân sự được làm kỹ lưỡng, các cơ sở mới tránh được tình trạng như đã diễn ra tại một số nhiệm kỳ trước đây là số lượng cán bộ trẻ được giới thiệu nhiều, có số dư so với chỉ tiêu đặt ra nhưng khi ra đại hội bầu lại trượt.

Để đại hội Đảng bộ cơ sở chọn được tỉ lệ cán bộ trẻ, nữ theo đúng quy định của trung ương thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên là vô cùng quan trọng. Vì thế, quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy, các cơ sở phải báo cáo cấp trên về công tác nhân sự. Chỉ khi cấp trên đồng ý thì mới tiến hành đại hội.

Các thành viên cấp ủy cấp trên được phân công phụ trách các cơ sở phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung, công tác chuẩn bị nhân sự và tổ chức đại hội. Đồng thời, các ban xây dựng Đảng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cấp ủy cơ sở. Chủ trương 1, giải pháp 10, thực hiện phải 100 thì mới thành công. 

Cấp ủy phải mạnh

Xã là cấp cơ sở gần dân nhất, hiểu dân nhất nên được phân cấp giải quyết những việc bức xúc hằng ngày đối với đời sống người dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”.

Để cấp xã “làm được việc”, điều tiên quyết phải có một cấp ủy mạnh, trẻ trung, đủ sức vận hành cả hệ thống chính trị trên địa bàn, với một đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, tận tụy gắn bó với dân.


Diệp Văn Sơn