Với quyết tâm chính trị cao, nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt trước thách thức của “giặc nội xâm”; Đảng ta đã coi trọng hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Xác định nội dung chỉ đạo

Ngày 1-8-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW (viết tắt là Hướng dẫn 25) “Một số nội dung về công tác phòng chống tiêu cực” nhằm hình thành đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Hướng dẫn 25 giải thích rõ hành vi tiêu cực là những hành vi trái với Điều lệ, Cương lĩnh, nghị quyết, quy chế, quy định, chỉ thị, kết luận… của Đảng (gọi chung là chủ trương, đường lối, quy định của Đảng), pháp luật của nhà nước, Điều lệ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; trái với các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Hướng dẫn 25 cũng xác định cụ thể nội dung chỉ đạo: Công tác tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng chống tiêu cực; thực hiện đồng bộ, đôn đốc, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tiêu cực gắn với tuyên truyền, giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng chống. Đồng thời, định kỳ sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu, đánh giá những hành vi tiêu cực mới phát sinh, rút ra bài học để chỉ đạo thực hiện ngày càng hiệu quả.

Hướng dẫn 25 nhấn mạnh trọng tâm chỉ đạo của công tác phòng chống tiêu cực là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị; biểu hiện rõ nhất là 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng chống.

Phần lớn những hành vi tiêu cực đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”; các quy định của Đảng về nêu gương và quy định liên quan khác.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tặng hoa chúc mừng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Tập trung nghiên cứu

Hiện nay, các cơ sở Đảng đang tập trung nghiên cứu Hướng dẫn 25. Theo chúng tôi, trong nghiên cứu, rất cần lưu ý đến những điểm mới được quy định trong 3 nhóm hành vi, gồm:

Thứ nhất, nhóm hành vi “không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương”; “lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi”.

Trong thực tế, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị chưa nêu gương trong việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội; chưa coi đó là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm; chưa thực hiện đầy đủ các phương châm trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau, học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Thậm chí, có trường hợp ủy viên thường vụ và ủy viên cấp ủy cơ sở có hành vi đối phó khi được kiểm tra, báo cáo không trung thực… và đã bị xử lý.

Thứ hai, nhóm hành vi “quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị”, do đó đã “chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc có nhiều sơ hở, bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân; “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” trong xây dựng chính sách, pháp luật”.

Thời gian qua, không ít văn bản luật, dưới luật, các quyết định quản lý của một số cơ quan hành chính nhà nước rất “thiếu sức sống”, phải sửa đổi, bổ sung ngay khi ban hành chưa lâu (như Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015); văn bản quy định tiêu chuẩn đạo đức về nghề nghiệp của nhà giáo hạng I “cao hơn” nhà giáo hạng II, nhà giáo hạng II “cao hơn” nhà giáo hạng III (Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo); hay những quyết định mang tính cục bộ, cát cứ địa phương (như cưỡng chế người dân đi xét nghiệm; xử phạt vi phạm hành chính người dân về quê từ vùng dịch Covid-19…).

Thứ ba, nhóm hành vi “giải trình không trung thực về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; tẩu tán, che giấu tài sản có được do tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ đạo và tổ chức thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực”, “dùng giấy tờ giả, không hợp pháp, khai báo gian dối về quốc tịch”. Đây là những hành vi tiêu cực mới được Hướng dẫn 25 bổ sung, làm rõ. 

Xử lý nghiêm đảng viên vi phạm

Tham nhũng, tiêu cực biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, kết luận tại Phiên họp thứ 21 (ngày 20-1-2022) của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.


ThS NGUYỄN VÂN HẬU (Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)