Sinh thời, Bác có quan điểm rất sâu sắc về thân phận người phụ nữ Việt Nam. Ngày 4-4-1926, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Người lấy bút danh Mộng Liên viết một bài báo ngắn với tiêu đề “Về sự bất công”. Bài báo có đoạn: “Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp. Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”.

Qua bài báo ngắn gọn trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự bất bình đối với hành vi ứng xử bất công đối với phụ nữ; đồng thời cũng qua đó tuyên truyền, làm rõ những việc cần làm nhằm đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân gia đình ngày 10-10-1959, Bác căn dặn: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa. Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng CNXH mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Tại Đại hội Liên hoan Phụ nữ “Năm tốt” ngày 30-4-1964, Người chỉ rõ: “Bác căn dặn về Điều thứ 5 trong phong trào “Năm tốt” tức là “Xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái tốt” như sau: Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng. “Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã… đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Ta có câu hát: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng ta luôn có những chủ trương đúng đắn, sâu sát về vấn đề nhân văn này. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Hy vọng với sự quan tâm thấu đáo của Đảng và với trách nhiệm của toàn xã hội, phụ nữ Việt Nam, mà trước hết là đội ngũ cán bộ nữ các cấp, sẽ phát huy tốt hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình, vừa thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ vừa làm tốt vai trò của người cán bộ phụ nữ trong giai đoạn cách mạng mới.


Mặc Sanh (cán bộ hưu trí TP Đà Nẵng)