Trở về làng, không chồng, không con, H’Lâm lấy việc giúp dân làng làm niềm vui. Bà suốt ngày tất bật đi tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xóa đói giảm nghèo.

Đầu tắt mặt tối lo việc làng, thế mà H’Lâm vẫn dành được thời gian nuôi một đàn bò hơn 30 con, rồi làm rẫy để giải quyết cái ăn hằng ngày, đồng thời làm mẫu cho bà con theo. Có năm giáp hạt, bà con thiếu lương thực, bà H’Lâm vét hết thóc của nhà ra cứu giúp. Trong công tác tuyên truyền xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bà H’Lâm luôn tiên phong, cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức làm chủ vùng biên giới, ngăn chặn có hiệu quả một số người nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép qua Campuchia.

Nữ già làng H’Lâm (hàng đầu, bìa trái) trong một buổi tuyên truyền cho dân làng tham gia bảo vệ đường biên

Bà tâm sự: “Thấy bà con khổ cực, mình tìm cách xóa đói giảm nghèo nhưng phải làm sao đây? Cho mượn vốn, mượn bò về nuôi thì mình sẵn sàng nhưng vốn và đàn bò của mình có hạn, không giải quyết được bao nhiêu”. Nghĩ thế nên ngoài vận động, hướng dẫn bà con bỏ chặt rừng, thôi đốt cây lấy đất trồng lúa nương mà chuyển sang khai phá đất trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp, phát triển mô hình VAC… Nhiều người được bà H’Lâm hỗ trợ cây giống, vật nuôi, cho mượn vốn, mượn bò để phát triển kinh tế.

Bà Ksor H’Tâm (80 tuổi, ngụ làng Klah) không giấu được niềm vui: “Ở vùng biên giới này, có cuộc sống ấm no như hôm nay, chúng tôi thực sự tự hào về Ksor H’Lâm!”.

Có những việc làm không ai dám nghĩ tới nhưng bà H’Lâm vẫn làm được. Đặc biệt hơn cả là chuyện “dắt làng bước qua lời nguyền”. Đó là vận động bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới bỏ “luật tục chôn chung” – một hủ tục lạc hậu kéo theo nhiều bệnh tật. Ở đây, người dân từng có tục khi chết là chôn chung một nấm mồ, người chết trước nằm dưới, người chết sau để chồng lên, “nêm chặt” trong một quan tài. Có người vừa chôn, thân thể chưa phân hủy thì nắp quan tài lại phải dỡ lên đưa thêm thi thể mới vào. Bà H’Lâm quyết vận động “đưa người chết ra nghĩa địa”, bỏ tập tục chôn chung.

Bà H’Lâm kể: “Lúc đầu, cả làng nhao nhao đòi phạt mình 5 con bò vì vi phạm lời nguyền của ông bà, có tội với Yàng. Phạt thì cứ phạt, H’Lâm không bỏ cuộc và cứ vận động. Mưa dài thấm lâu, họ thấy H’Lâm không bị Yàng phạt, dân trong làng không ai ốm đau, trâu bò vẫn sinh nở, lúa tốt, bắp nhiều hạt. Thế là H’Lâm nói đúng, dân làng nghe thôi”.

Không dừng lại, bà H’Lâm tiếp tục vận động thành công bà con bỏ hủ tục “vượt cạn sinh con” và mẹ mất chôn con theo. Năm năm qua, làng hết cảnh mẹ “vượt cạn” bị chết, con phải đi theo. Cái bụng H’Lâm mừng vô kể, cuộc sống đồng bào thay đổi, no đủ, bệnh tật lui dần.

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, chia sẻ: “H’Lâm là nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên. Bà thực sự là ngọn đuốc dẫn đường cho bà con vùng biên giới vươn lên”.


Bài và ảnh: Lê Quang Hồi