Người xem tư pháp là một hệ thống trọng yếu của chính quyền. Việc phát triển ngành tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng Đảng dìu dắt.

Vì thế, nhân Hội nghị Tư pháp toàn quốc được triệu tập vào tháng 2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư, căn dặn: Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “phụng công” là phải biết trách nhiệm của mình được nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân; “thủ pháp” là thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan; “chí công” là công bằng, công tâm; “vô tư” là không được có lòng riêng tư đối với người, với việc.

Thực tiễn sinh động giúp chúng ta càng thấm thía hơn lời Bác dạy. “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” suy cho cùng thì không chỉ có những người đang hoạt động trong lĩnh vực tư pháp phải quán triệt, mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức – nói chung là tất cả những người làm việc trong bộ máy nhà nước – đều phải phấn đấu cho bằng được.

Phải phấn đấu vì cuộc sống vốn dĩ nhiều cạm bẫy. Công chức nắm giữ cương vị càng cao thì càng gặp nhiều cám dỗ. Trong thực tiễn, nhiều cán bộ, đảng viên được đào tạo bài bản, có quá trình hoạt động tốt nhưng rồi có lúc đã phải “ngã ngựa” do không khước từ được các lợi ích vật chất, dù biết đấy là vi phạm pháp luật và vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Nếu luôn nhớ đến bổn phận “phụng công” thì hẳn bản thân cũng sẽ quyết tâm rèn luyện tốt để khi thi hành công vụ thì luôn rõ ràng, minh bạch, khách quan. Như thế thì sẽ “chí công, vô tư”, không lợi ích vật chất nào cám dỗ được.


Minh Khôi