Ủy ban MTTQ TP HCM vừa phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố tổ chức tọa đàm chủ đề “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong đấu tranh phòng chống suy thoái về đạo đức của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên”.

Chú trọng tái giám sát

Tại tọa đàm, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết hằng năm, MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đều xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội.

Đề án 06-ĐA/TU năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về “Nâng cao vai trò của MTTQ thành phố và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền giai đoạn 2021-2030” (Đề án 06) và Chỉ thị 13-CT/TU năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện Đề án 06 (Chỉ thị 13) được ban hành là một bước khẳng định, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong đấu tranh phòng chống suy thoái về đạo đức của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên”

Theo bà Hương, Đề án 06 và Chỉ thị 13 chú trọng thực hiện các nội dung mà đoàn giám sát đề ra cho cá nhân, tổ chức được giám sát. Cụ thể, việc cá nhân, tổ chức thực hiện các yêu cầu của đoàn giám sát đưa ra sau khi giám sát là một trong những tiêu chí để đánh giá cá nhân, tổ chức đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm của mình.

“Trước đây chỉ nhắc nhở, không xét vào nội dung thi đua. Với Đề án 06 và Chỉ thị 13, tổ chức, cá nhân nào không thực hiện theo các nội dung thông báo mà đoàn giám sát đã yêu cầu thì sẽ không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân khắc phục, điều chỉnh sau những nội dung mà đoàn giám sát đã yêu cầu” – bà Hương giải thích.

Tuy nhiên, việc theo dõi quá trình thực hiện các nội dung mà đoàn giám sát đưa ra với tổ chức, cá nhân sau giám sát lại là một trong những khó khăn mà Ủy ban MTTQ quận 1 gặp phải thời gian qua.

Bà Dương Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 1, cho hay MTTQ các cấp tại quận chưa có nhiều hoạt động giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của đoàn giám sát, kết quả giải quyết kiến nghị sau các buổi hội nghị nhân dân, hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa nhân dân với người đứng đầu chính quyền quận, phường. Nói chung, công tác tái giám sát chưa thực hiện tốt.

Theo bà Gấm, nguyên nhân là do số lượng nhân sự của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội quận, phường có hạn. Từ khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM, không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì công tác giám sát gần như chuyển về MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Do đó, nhiều lúc thực hiện không xuể và còn dàn trải các nội dung.

Cán bộ giám sát phải có tầm

Bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Trưởng Phòng Dân vận của hệ thống chính trị – Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, cho biết Đề án 06 quy định giai đoạn 2025 – 2030, MTTQ sẽ tiến hành giám sát đối với tổ chức Đảng và đảng viên cùng cấp. Đây là vấn đề mới cho giai đoạn này.

Theo bà Nguyệt, trong 2 năm 2023-2024, Ban Dân vận Thành ủy TP HCM sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tăng cường chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tạo điều kiện, quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13 và Đề án 06. Việc này gắn với công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Chỉ thị 18 năm 2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nhìn nhận việc ban hành Đề án 06 và Chỉ thị 13 trong điều kiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường là rất đúng. Thời gian qua, MTTQ triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 13 là thực hiện đúng với chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, điều 14 Quyết định 69-QĐ/TW quy định tổ chức Đảng, đảng viên không tiếp thu đóng góp của nhân dân và đoàn giám sát của MTTQ sẽ bị xử lý kỷ luật. Đây là điều rất mới và rất khó, bởi đòi hỏi người tham gia đoàn giám sát phải có kiến thức về công tác Đảng, phải nắm chắc những quy định của Đảng. Như vậy mới giám sát được tổ chức Đảng và đảng viên có thực hiện đúng điều lệ, quy định của Đảng và phục vụ nhân dân tốt hay không.

Để thực hiện tốt Đề án 06 và Chỉ thị 13 trong thời gian tới, bà Dương Thị Hồng Gấm cho rằng phải xây dựng hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội thực sự vững mạnh; cán bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đội ngũ cán bộ của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phải thực sự có tâm, có tầm, có bản lĩnh và khách quan, trung thực. Muốn được dân tin thì phải thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực, đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bà Phan Kiều Thanh Hương cho rằng cần phải xây dựng được đội ngũ thực thi nhiệm vụ chuyên nghiệp, tận tâm, có trách nhiệm và luôn tận tụy với công việc. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người dân nắm các chính sách, nội dung liên quan về luật pháp; phải để người dân nói lên được tiếng nói của mình thông qua các hội nghị nhân dân, những buổi tiếp xúc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Từ đó, người dân sẽ tiếp tục tham gia ở nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhằm giúp TP HCM ngày càng phát triển. 

Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giám sát

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội nên lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân để giám sát. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát sao cho phù hợp với từng cá nhân, tập thể được giám sát.

Bên cạnh đó, cần bố trí những cán bộ có chuyên môn sâu, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập, năng lực tổng hợp và bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Để làm được điều này, cần thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.


Bài và ảnh: LÊ VĨNH