Mới đây, ngày 12-9-2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND” (gọi tắt là Nghị quyết 594). Đây là văn bản quy phạm cụ thể hóa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 – đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định về hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

Thực tế những năm qua, khi trình độ đại biểu và dân trí ngày càng cao, hoạt động giám sát của HĐND đã có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được khẳng định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển và chức năng, quyền hạn của HĐND được pháp luật quy định, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Một kỳ họp của HĐND TP HCM .Ảnh: PHAN ANH

Nghị quyết 594 ra đời là bước phát triển mới, là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo thuận lợi cho quá trình tiến hành giám sát, bảo đảm các hoạt động giám sát thực hiện thống nhất, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc lập hồ sơ, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát…

Xuyên suốt các quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, giải trình và lựa chọn chuyên đề giám sát, Nghị quyết 594 nhấn mạnh phải chọn các vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh được đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm; quy định trách nhiệm lồng ghép nội dung giám sát về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tội phạm gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật tại địa phương.

Về chế tài xử lý trách nhiệm, Nghị quyết 594 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu, kết luận, kiến nghị giám sát; cung cấp thông tin liên quan, báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát…

Nghị quyết 594 đã thể chế hóa sâu sắc quan điểm “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng. Theo Nghị quyết 594, sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước. Quy định này thể hiện tính công khai, minh bạch, ý thức tôn trọng nhân dân, tinh thần phát huy dân chủ, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước.

Cùng với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, nhân dân kỳ vọng việc thực thi Nghị quyết 594 sẽ là nhân tố quan trọng để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp, góp phần chuyển hóa các giá trị của nền dân chủ vào đời sống, hun đúc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.


ThS Nguyễn Vân Hậu