Dẫn tôi đi dọc các con hẻm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (phường 2, quận Tân Bình, TP HCM), bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Tân Bình, chỉ vào từng căn nhà rồi bảo: “Đây là nhà Anh hùng phi công Lê Hải, còn đây là nhà của Anh hùng Nguyễn Hồng Nhị, kia là nhà của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy…”. Rồi bà chào, hỏi thăm sức khỏe, tình hình nhiều người dân.

Giữ gìn truyền thống

Trước sự ngạc nhiên của tôi, bà Trà cười: “Các anh hùng phi công này là bạn chiến đấu của ba tôi. Các cô chú, các em vừa gặp đều là hàng xóm thân quen của gia đình”. Xuất thân trong một gia đình cách mạng nên bà luôn gìn giữ và phát huy truyền thống của gia đình.

Cha bà là ông Lê Trọng Sành, sĩ quan quân đội trong Quân chủng Phòng không – Không quân, nguyên Trưởng Phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Ban Tác chiến Quân chủng Phòng không – Không quân.

Bà Trà kể năm nay cha bà đã 72 năm tuổi Đảng. Khi nghỉ hưu, ông luôn khẳng khái đấu tranh bảo vệ việc mở cửa sân bay quốc tế trong những năm đầu đổi mới. Trong các lần lấy ý kiến của cử tri, chuyên gia hàng không, ông cho biết việc xây dựng khu sân golf, nhà hàng, khách sạn chắc chắn sẽ uy hiếp an toàn bay, nhất là với các máy bay lớn. Ông cũng lên tiếng để Cục Hàng không dám “cởi bỏ” kiểu suy nghĩ cũ theo lối mòn để khai thác đường bay đem lại nhiều lợi ích kinh tế.

Mẹ của bà là bà Nguyễn Thị Kim Toan – một phụ nữ đảm đang, tháo vát khi chu toàn cả việc nước lẫn việc nhà. Ngày trẻ, bà là một du kích canh giữ ven biển Quảng Bình, góp phần giúp cách mạng giữ gìn lực lượng và vũ khí, lương thực – thực phẩm.

Năm 1965, bà Toan là giáo viên tiểu học theo chồng tập kết ra Bắc, dạy học tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú. Khi đất nước thống nhất, bà theo chồng về TP HCM, luôn là đảng viên gương mẫu, cán bộ Công đoàn nhiệt tình trong công tác.

Rồi bà giữ nhiệm vụ đi chợ cho các bếp ăn tại đơn vị Trung đoàn bay 918 Quân chủng Phòng không – Không quân. Vừa làm việc vừa chăm 4 con, lại phải thường xuyên đi về chăm sóc cha mẹ hai bên đau yếu nhưng bà vẫn chu toàn.

Những năm đất nước vừa thống nhất, bà Toan phải tiết kiệm từng bữa ăn, từng đoạn vải để dành cho con. Tất cả con cái của bà đều được học hành đến nơi đến chốn và thành người có ích cho xã hội. Khi về hưu, bà Toan vẫn đảm nhận nhiều công việc cho địa phương, như làm phó bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng phụ nữ khu phố, tham gia làm cộng tác viên dân số, CLB ông bà cháu, CLB văn nghệ khu phố…

Bà Toan mất năm 2016, khi ở tuổi 77 và đã được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Gia đình hạnh phúc của bà Lê Thị Thu Trà

Lăn xả và mẫu mực

Tiếp nối truyền thống gia đình, từ nhỏ, bà Trà đã tham gia công tác Đoàn Thanh niên tại khu phố.

Bà kể: “Tốt nghiệp đại học, tôi làm việc tại nhiều công ty, thu nhập khá cao. Một lần, chị chủ tịch UBND phường rủ tôi về công tác tại UBND, ai dè gắn bó luôn. Tôi làm cán bộ tư pháp – hộ tịch, rồi phó chủ tịch UBND phường, phó phòng tư pháp quận và bây giờ là làm công tác mặt trận”.

Chồng bà là ông Nguyễn Sơn Hải – sĩ quan công tác tại Nhà máy A41 Quân chủng Phòng không – Không quân, đảng viên, nghỉ hưu hơn 4 năm qua và hiện cũng tham gia công tác tại địa phương.

Hơn 27 năm qua, vợ chồng bà cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, mẫu mực, các con ngoan ngoãn, giỏi giang. Con gái lớn đã đi làm, lấy chồng; con trai nhỏ là sinh viên năm cuối Trường ĐH Hoa Sen.

Các thành viên gia đình luôn tôn trọng, yêu thương, chia sẻ công việc nhà. Họ thường cùng nhau vào bếp để chuẩn bị những bữa cơm gia đình đầm ấm. Mối quan hệ giữa cha mẹ, con gái, con trai, con rể luôn chuẩn mực, bình đẳng. Gia đình nhỏ của bà cùng các anh chị em trong đại gia đình vẫn thường xuyên chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội ngoại hai bên.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, với vai trò thành viên của Ủy ban MTTQ quận Tân Bình, số điện thoại của bà Trà nhiều khi như “đường dây nóng” để người dân gọi vào xin tiếp ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Suốt thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng đài của Ủy ban MTTQ quận Tân Bình nhận hơn 500 tin nhắn và cuộc gọi nhờ tiếp ứng. Có trường hợp bà trực tiếp đến trao quà, có trường hợp phải nhờ anh chị em ở cơ quan hoặc các đoàn thể khác tiếp ứng.

Bà nhớ có trường hợp một người nước ngoài nhắn tin nhờ hỗ trợ lương thực, thực phẩm vì bị kẹt tại khu trọ hơn cả tháng. Khi nhận tin, bà hướng dẫn Ủy ban MTTQ phường tiếp cận và giúp đỡ, mới biết nơi đây không chỉ một người mà là cả nhóm giáo viên hơn 10 người của một trung tâm ngoại ngữ, đang mất việc làm.

Có anh xe ôm người gầy gò ốm yếu không tìm được đồ ăn trong mùa dịch, bà đến tận nơi đưa gạo, rau, mắm, đường, bột ngọt… tiếp tế. Có chị công nhân mắc Covid-19, sinh con cũng bị Covid-19, bà đã tiếp tế sữa, gạo, thực phẩm để gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn… 

Ông MAI VĂN HUỆ – Bí thư Chi bộ khu phố 9, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM:

Gia đình văn hóa cấp thành phố

Các thành viên trong gia đình bà Lê Thị Thu Trà đều tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và những hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương; tham gia hiến máu tình nguyện, ủng hộ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19; tham gia các hoạt động thiện nguyện, vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho trẻ mồ côi, người khó khăn trên địa bàn và các địa phương khác.

Năm 2022, gia đình bà Trà được UBND TP HCM tuyên dương gia đình văn hóa hạnh phúc tiêu biểu.


Bài và ảnh: NGÂN HÀ