Nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý tiến tới Tổng tuyển cử, Chính phủ đã ban hành 2 sắc lệnh quan trọng. Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945 quy định 23-12-1945 là ngày Tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu, tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ người đã bị tước quyền công dân và người trí óc không bình thường.

Việc chuẩn bị tiến tới Tổng tuyển cử lúc bấy giờ diễn ra trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài; tình hình chính trị, kinh tế – xã hội tiềm ẩn những bất ổn; “giặc đói”, “giặc dốt” hoành hành, dân trí còn thấp. Các thế lực phản động cấu kết với giặc ngoại xâm ra sức phá hoại, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử, đe dọa xóa bỏ nền dân chủ còn non trẻ và sự sống còn của nhà nước cách mạng Việt Nam mới thành lập. Ngày Tổng tuyển cử vì vậy phải hoãn sang 6-1-1946.

Với quyết tâm chính trị của Đảng (số đảng viên lúc ấy không quá 5.000 người) và chỉ đạo chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương, vượt qua muôn vàn khó khăn, trở lực, cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ở Việt Nam đã thành công rực rỡ, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… Hơn 89% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu (trong số hàng ngàn người ra ứng cử) vào Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Cử tri vùng biên giới tỉnh Lai Châu xem thông tin cá nhân của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội trước khi bỏ phiếu bầu. Ảnh: TTXVN

Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử là mốc son chói lọi, mở lối tiên phong trên con đường phát triển thể chế dân chủ, cộng hòa của nước Việt Nam sau hàng ngàn năm bị thống trị bởi chế độ phong kiến và gần 100 năm bị xiềng xích thực dân; là tiền đề, mở ra một thời kỳ mới trên con đường xây dựng đất nước theo tư tưởng nhà nước pháp quyền. Đồng thời, khẳng định về mặt pháp lý rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại.

Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử là kết quả của quá trình đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của một dân tộc luôn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, đã đoàn kết thành một khối thống nhất, tin tưởng, đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đó là kết quả của lòng tin, Đảng tin dân, dựa vào dân để tạo nên sức mạnh đấu tranh chính trị với các thế lực thù địch đang mưu đồ phá hoại Tổng tuyển cử.

Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử là minh chứng hùng hồn nhất về đường lối cách mạng đúng đắn; sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, tài tình, quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, kể cả phải dùng những phương pháp nhân nhượng để hòa giải, cứu vãn tình thế như: Đảng Cộng sản Đông Dương tự tuyên bố giải tán (sự thực là rút vào hoạt động bí mật); hay việc Việt Minh nhượng bộ đặc cách thêm 70 ghế trong Quốc hội cho tổ chức Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng) mà không thông qua bầu cử.

Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử là bài học giá trị trong thời kỳ cách mạng hiện nay của dân tộc, nhất là về hoàn thiện thể chế bầu cử, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân; và “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng. 


ThS Nguyễn Vân Hậu