Các lao động nghèo đang ở khu nhà trọ của gia đình bà Bùi Thị Bên (ở khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM) đều gọi bà này là “mẹ Bên”, vì xem bà như người mẹ thứ hai của mình.

Hiểu hoàn cảnh công nhân

Bà Bùi Thị Bên là chủ của một khu nhà trọ với 35 phòng, đang có 120 người ở trọ. Hiện bà đang là Chi hội trưởng Chi hội Công nhân (CN) lao động khu phố 2 và vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM xét chọn là tấm gương Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2020.

Nhiều năm cho thuê trọ, bà Bên không tăng giá tiền phòng. Khi dịch Covid-19 xảy ra, biết lao động nghèo đang gặp khó khăn về thu nhập, bà quyết định giảm giá cho thuê mỗi phòng 200.000 đồng.

Mấy tháng qua, khu nhà trọ của bà luôn rộn rã tiếng trẻ con cười đùa. Hết bày các trò chơi cùng nhau ngoài sân, đám trẻ lại vào nhà để học bài, nấu ăn cùng “bà nội” Bên. Tiếng trẻ con ê a học chữ theo sự chỉ dạy của bà Bên, rộn ràng cả hẻm.

Bà Bùi Thị Bên (phải) vẫn thường gói bánh tặng công nhân nghèo vào những dịp Tết nguyên đán

Ấy là vì bà Bên xem lao động nghèo ở trọ như con cháu trong nhà. Thấy con của nhiều CN nghỉ học do dịch Covid-19, cha mẹ lo lắng vì không biết mang đi gửi ở đâu nên bà chủ động giữ giúp. Có bữa bà giữ 2 bé, có bữa 5-7 bé. Bà còn nấu ăn cho chúng mà không lấy bất cứ khoản chi phí nào.

Bà Bên cho biết khu nhà trọ của bà có gần 20 đứa trẻ là con CN. Từ khi dịch bệnh xảy ra, một số gia đình, vợ chồng thay phiên nhau trông con hoặc đứa lớn giữ đứa nhỏ tại phòng trọ. Kể từ lúc có bà Bên nhận giữ con giúp, hôm nào không xoay xở xin nghỉ làm được thì các CN ở đây lại gửi con cho bà.

“Nhà tôi cũng có 2 đứa cháu nội còn nhỏ nên chúng chơi với nhau rất vui vẻ. Nhà mình ăn sao, chúng ăn vậy. Trộm vía, đứa nào cũng ngoan, đều khen bà nội nấu ăn ngon quá” – bà Bên kể trong niềm vui.

Chị Lê Thị Linh, CN của một công ty may tại quận 9, kể: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn hàng của công ty ít nên tôi xin nghỉ phép ở nhà trông con, thu nhập vì thế sụt giảm, trong khi lương của chồng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, mẹ Bên nói cứ gửi con để má trông giúp, không lấy bất cứ chi phí nào. Tình cảm ấy của mẹ khiến vợ chồng tôi rất xúc động”.

Chị Vũ Thị Ngọc Hiền, giáo viên mầm non của một trường tư thục trên địa bàn quận Thủ Đức, cũng ở tại khu nhà trọ của bà Bên, nói đã vơi đi phần nào nỗi lo cơm áo vì mấy tháng có dịch Covid-19 chị chỉ phải đóng một nửa số tiền thuê trọ. Chị Hiền chia sẻ: “Trong mấy tháng nhà trẻ đóng cửa vì dịch Covid-19, tôi không có thu nhập. May có má Bên chia sẻ lúc khó khăn nhất khiến tôi cảm thấy ấm lòng”.

Kế bên phòng trọ của chị Hiền là vợ chồng anh Đặng Văn Tín, đều là CN Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, quận 9) cũng vừa nhận được 5 kg gạo do bà Bên cho. Biết vợ của anh Tín đang mang thai đứa con đầu ngay trong mùa dịch nên bà Bên thường xuyên quan tâm, hỏi han, thỉnh thoảng mang qua cho mấy món ăn bà nấu hoặc ít trái cây để “bồi bổ cho cháu”.

Khéo léo lồng ghép tuyên truyền

Gần 15 năm làm chủ khu nhà trọ, từng hoàn cảnh, từng gia đình, ai quê quán ở đâu, làm việc gì, bà Bên đều nhớ như in.

Hễ trong khu nhà trọ có ai ốm đau, sinh đẻ, cưới xin, bà đến thăm hỏi ngay, rồi chăm lo, hỗ trợ, có khi vài hộp sữa, cân đường, có lúc còn cùng chồng lên xe về quê mừng đám cưới của “các con” CN.

Không chỉ giảm giá tiền điện, nước tại khu nhà trọ của gia đình, bà Bên còn phát động phong trào ý nghĩa này trong CLB nữ chủ nhà trọ tại địa phương. Những lao động nghèo ở trọ xa quê nhưng không có điều kiện về nhà đón Tết, đều cảm thấy ấm lòng hơn khi cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về được bà Bên tự tay gói tặng những đòn bánh tét, bánh chưng.

Dịp Tết nguyên đán năm nào cũng vậy, bà Bên dùng số tiền tích góp được để tặng 50 phần quà Tết cho các CN, tặng vé tàu xe để họ về quê đón Tết, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho CN nhà trọ bị bệnh hiểm nghèo. Có người ở tại khu nhà trọ của bà 10 năm, 15 năm vẫn không muốn chuyển đi chỗ khác. Có CN đã mua được nhà ở TP nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé thăm bà vì “không quên được ơn nghĩa của mẹ Bên”.

Ngoài việc tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, định kỳ hằng quý, bà Bên còn đứng ra tổ chức sinh nhật, giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua đó khéo léo lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước cho CN ở trọ, giúp người lao động hiểu rõ để nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các phần tử xấu lôi kéo, kích động.

Nói về các hoạt động hỗ trợ cho CN nhà trọ, bà Bên chia sẻ: “Các cháu xa quê để mưu sinh đã là khó, gặp dịch Covid-19 càng khó khăn, vất vả. Trong khả năng mình giúp được gì để các cháu yên tâm làm ăn thì làm. Tôi chưa từng nghĩ những việc làm của mình được ghi nhận nhiều đến thế, mà chỉ đơn giản việc tốt dù nhỏ nhất phải cố gắng”.

NGUYỄN HẠNH THẢO – Chủ tịch Hội LHPN quận 9, TP HCM:

Năng động và nhiệt huyết

Ở Hội LHPN quận 9, bà Bùi Thị Bên là một chi hội trưởng rất tích cực, năng động và nhiệt huyết. Không chỉ tham gia tốt các phong trào, hằng ngày bà còn làm bánh giò, bánh tét, rau câu, chả ngũ sắc… để bán lấy lãi chăm lo cho CN ở trọ của Chi hội CN lao động khu phố 2. Bà còn tham gia các hoạt động chăm lo cho người nghèo tại địa phương như tặng gạo phụ nữ nghèo, vận động hội viên phụ nữ thực hiện mô hình “Trao yêu thương”, ủng hộ áo dài còn mới để tặng chị em phụ nữ có nhu cầu; cùng hội viên và các nhà hảo tâm chăm lo trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong các ngày Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu…


Bài và ảnh: Hồng Đào

Chia sẻ