Thời điểm này 70 năm trước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và nhất định thắng lợi” do Đại hội Toàn quốc lần thứ II của Đảng đề ra. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc ấy giành những thắng lợi quan trọng trong Chiến dịch Hòa Bình, làm phá sản một kế hoạch chiến tranh lớn của địch.

“Tinh thần trách nhiệm là gì?”

Lúc đó, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có một số biểu hiện quan liêu, nói nhiều, làm ít, làm chưa đến nơi đến chốn. Tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi nhưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm.

Để kịp thời chỉnh đốn, khắc phục tình trạng nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Tinh thần trách nhiệm” đăng trên Báo Nhân Dân số 36, ngày 13-12-1951 với bút danh C.B. Nói thẳng vào vấn đề chính, Người viết: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”.

Rồi Người lấy ví dụ cụ thể về tinh thần trách nhiệm từ người nấu bếp đến người cán bộ quân sự và nêu rõ: Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế mới là có tinh thần trách nhiệm.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng giúp dân bốc xếp, vận chuyển nông sản tặng các khu vực cách ly, chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH THI

Bác khẳng định khi đặt ra các chính sách, Đảng và Chính phủ đã điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận, tất cả đều nhằm vào lợi ích chung của nhân dân. Vì vậy, cán bộ có tinh thần trách nhiệm, muốn “làm trọn nhiệm vụ” thì phải nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng của Đảng. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy.

Người dạy: “Cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng; lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình”. Đồng thời, Người nhấn mạnh mối quan hệ không thể tách rời giữa chính sách, nhiệm vụ, đường lối quần chúng và chỉ rõ: “Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ”.

Cuối bài báo, Bác ân cần dặn dò: “Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng mới, càng to, càng phức tạp. Cán bộ ta không khỏi vấp khuyết điểm trong tiến bộ. Nhưng với sự giáo dục của Đảng, của Chính phủ và của quần chúng, cùng với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm cũng như nhất định chiến thắng thực dân”.

Luôn nghiêm khắc tự vấn, tự soi rọi

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều đánh giá đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Cá biệt, một số cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; lợi dụng chủ trương khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm” nhưng cố tình không vì lợi ích chung, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật và đã bị xử lý.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII. Trong đó, đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Tinh thần trách nhiệm là gì?” vẫn luôn là câu hỏi lớn có giá trị vĩnh hằng mà tất cả cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc tự vấn, tự soi rọi để làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình. 

Ý nghĩa thực tiễn sâu sắc

70 năm đã trôi qua, lời Bác Hồ dạy trong bài báo “Tinh thần trách nhiệm” còn nguyên giá trị và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải toàn tâm, toàn ý vừa thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội trong trạng thái bình thường mới, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đây là lúc mỗi cán bộ, đảng viên phải tùy vị trí công tác của mình để thể hiện trách nhiệm, “nói đi đôi với làm” và làm đạt hiệu quả cao nhất.


ThS Nguyễn Vân Hậu

Chia sẻ