Người tuyên bố dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”. Như vậy, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ phản ánh mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và nhân dân trong chế độ chính trị – xã hội nhất định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”). Chính vì điều này mà theo Người, ở nước ta, mọi quyền hành và lực lượng đều là của nhân dân, từ nhân dân mà ra, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Có thể tóm gọn, nội dung cơ bản và cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là: Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị – xã hội, thể chế chính trị dân chủ phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân là người có quyền quyết định vận mệnh của quốc gia – dân tộc. Và Người cũng căn dặn với cán bộ, đảng viên, rằng “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Trong thực tiễn, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã hiện thực hóa quan điểm “lấy dân làm gốc” và thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống xã hội. Từ nội dung ban đầu của quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021), quan điểm này đã được hoàn thiện hơn với việc bổ sung 2 nội dung là “dân thụ hưởng”, “dân giám sát”. Đấy cũng có thể xem như là một nguyên tắc trong hoạt động của Đảng ta với đầy đủ nội dung là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Từ quan điểm này để thấy mục tiêu quan trọng cuối cùng của mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta là đều hướng tới lợi ích của nhân dân. Cho nên, trước việc các thế lực thù địch, phản động luôn cố tình xuyên tạc rằng quan điểm “lấy dân làm gốc”, hay nội dung “dân thụ hưởng” mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra chỉ là hình thức, là khẩu hiệu suông để hô hào, là “chiêu trò” mị dân… thì trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải làm thế nào để các tầng lớp nhân dân thấu hiểu và hiểu đúng vấn đề.

Để cho các tầng lớp hiểu đúng vấn đề thì hoàn toàn không có gì khó nếu mỗi cán bộ, đảng viên biết gương mẫu trong lối sống, biết hy sinh quyền lợi, lợi ích cá nhân và luôn hướng về những gì có lợi cho đất nước, cho nhân dân. Cho nên, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, mà lâu nay chúng ta hay đề cập, chính là bộ phận “tự diễn biến, tự chuyển hóa” phải được nhận diện sớm để không làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Cần phải thấy các đối tượng phản động luôn tận dụng triệt để các tiêu cực, sai phạm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý để xuyên tạc rằng “đầy tớ của nhân dân” thì có cuộc sống sung sướng, hưởng thụ, có tài sản kếch xù, và chủ thể đích thực được thụ hưởng là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có chức có quyền.

Mục đích cuối cùng của các đối tượng phản động không có gì khác ngoài việc tạo ra khoảng cách giữa nhân dân và đội ngũ cán bộ trong hệ thống của Đảng và bộ máy Nhà nước. Sâu xa hơn, chính là thông qua sự chia rẽ đó để xuyên tạc mục tiêu của Đảng, gây mất đoàn kết, làm suy giảm tinh thần cách mạng và dẫn đến kích động các tầng lớp nhân dân chống lại Nhà nước do chính mình lập ra.

Nói bảo vệ thành trì cách mạng, thực ra với mỗi cán bộ, đảng viên thì cũng rất đơn giản, đấy là bằng việc nỗ lực rèn luyện bản thân, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”, gương mẫu trong lối sống, để trở thành một tấm gương cho quần chúng noi theo. 


Minh Khôi