Đinh A Rớ sinh năm 1957 ở làng Nhang Lớn, xã Đăk Kơ Ninh, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Cha làm du kích, cậu bé Đinh A Rớ suốt ngày theo mẹ lên rẫy làm lúa hỗ trợ cách mạng nên mãi đến 19 tuổi mới bắt đầu học lớp 1, rồi cũng tốt nghiệp bổ túc lớp 12. Được nhận vào làm việc ở UBND xã Đăk Kơ Ninh, Đinh A Rớ quyết tâm phấn đấu và được kết nạp Đảng, rồi năm 2006 trở thành Chủ tịch UBND xã Đăk Kơ Ninh.

“Hôm được bầu làm chủ tịch xã, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Làm chủ tịch thì phải làm sao cho bà con hết dần cái nghèo. Nhưng tâm lý sợ khó, sợ đổi thay có từ thời ông bà đã đặc mất cái đầu của nhiều người rồi. Trước đó khá lâu, gia đình tôi tiên phong đưa cây ớt, cây mía về trồng thành công; cuộc sống đã trở nên khá giả nhất xã. Nghĩ việc sờ sờ đó rồi thì chắc bà con sẽ nghe. Nào ngờ, đến làng nào tôi cũng nói rát cổ mà chẳng ai theo. Thất bại, tôi ngẫm nếu chỉ lấy mình ra nói thì còn lâu bà con mới chịu nghe. Để đả phá cái thành trì bảo thủ, ngại khó này phải bắt đầu từ cái làng lười nhất, bảo thủ nhất là Nhang Lớn. Nhang Lớn mà chuyển thì các làng khác cũng sẽ chuyển theo” – Đinh A Rớ kể.

Đinh A Rớ và “con ngựa chiến”

Rồi Đinh A Rớ tiếp: “Nói thế nhưng phải bắt đầu thế nào đây? Suy nghĩ mãi rồi cũng tìm ra cách. Đầu tiên, tôi nhờ ông A Mênh, Đinh Nhân, K’lei đi làm cho tôi. Họ là những người siêng năng, có đất nhưng nghèo vì không biết cách làm ăn. Nói nhờ nhưng tôi trả công hẳn hoi. Mấy ông này đâu biết đấy là mẹo của tôi để đào tạo con người nòng cốt. Vào việc, tôi hướng dẫn tỉ mỉ cách tưới nước, phun thuốc, làm đất, bón phân cho từng loại cây ra sao và bắt họ làm đúng như thế. Khi thạo việc rồi, tôi khích họ hãy làm theo tôi để thoát cái nhục đói nghèo. Hiệu quả không ngờ là các ông không những chịu nghe, làm theo mà còn làm lớn. Như ông A Mênh một lúc bung ra làm 5 ha mía, mì…”.

Thành công với người siêng xong, Đinh A Rớ quay sang “thanh toán” các anh lười. Cũng với cách làm trên nhưng trả công cao hơn để khuyến khích, đồng thời nhờ các ông “nòng cốt” giúp. Như vệt dầu trên nước, phong trào kèm cặp nhau trong làng cứ thế lan dần. Khi thấy nhiều người chịu làm, Đinh A Rớ tiến thêm bước nữa bằng việc thành lập các tổ đổi công. Ở các tổ này, cứ mỗi người siêng được giao kèm cặp vài ba anh lười. Cái thói cứ khi nào thích thì bỏ việc rồi túm tụm uống rượu vậy là chẳng còn lúc nào mà thực hiện nữa!

Để khuyến khích những hộ chịu làm ăn, Đinh A Rớ cho họ nhận bò nuôi rẽ. Bao năm làm ăn có chút tiền dư, Đinh A Rớ không gửi ngân hàng mà dồn lại mua 75 con bò để giúp các hộ nghèo tạo vốn. Với những biện pháp ấy, từ năm 2010, làng Nhang Lớn bắt đầu chuyển động để rồi khoảng 3 năm trở lại đây, từ một làng nghèo đói nhất xã, nay có 136 hộ đạt mức sống trung bình trở lên. Hộ nghèo chỉ còn chưa đầy chục do hoàn cảnh già yếu, neo đơn.

Chuyện vãn, Đinh A Rớ bảo tôi đến thăm nhà cho biết. Quả như lời ông, làng Nhang Lớn đâu cũng san sát những căn nhà sàn to rộng, kiểu cách. Nhà Đinh A Rớ nằm ngay bên lối rẽ ra đồng. Khoảng sân rộng chật ních những cày, bừa, máy móc. Thấy tôi ngạc nhiên, ông bảo: Tôi tuy một tay nhưng việc gì cũng làm được tất. Hiện tôi có 19 ha đất đang canh tác, không kể 10 ha đang trồng keo lai; hơn 100 con bò… Bà con cứ trầm trồ tôi là tỉ phú, là “đại gia” này nọ, tôi chỉ cười. Họ nói thế là biết ganh đua làm ăn. Đấy là điều mà tôi mong mỏi gần 20 năm trời mới thành hiện thực.

Tạm biệt ông. Ra khỏi ngõ một quãng rồi tôi vẫn thấy Đinh A Rớ đăm chiêu nhìn ra khoảng đồi mênh mông trước mặt, tôi đoán ông đang nghĩ về điều mà ông từng nói với tôi, rằng Đăk Kơ Ninh phải là vùng nguyên liệu vững chắc của nhà máy đường, nhà máy ván ép thì mới thoát nghèo bền vững được. Quyết tâm của ông khiến tôi nghĩ đến bao ngôi làng cứ mãi nghèo đói trên vùng đất này. Đâu phải không nhiều người nhìn thấy, chỉ là còn hiếm quá những người như Đinh A Rớ.


Bài và ảnh: Ngọc Tấn

Chia sẻ