Sau khi ra mắt Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước quốc dân ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo những căn bệnh của quyền lực có thể làm tha hóa cán bộ. Người viết bài báo “Sao cho được lòng dân?”, đăng trên Báo Cứu quốc ngày 12-10-1945, chỉ rõ: “Dân ghét các ông Chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền”. Ngày 17-10-1945, Người viết “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên Báo Cứu quốc số 69, chỉ ra những “lầm lỗi chính” của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa như: Cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo…

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ mới thành lập lại phê phán gay gắt như thế đối với những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên. Người biết rất rõ đó là những “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, sẽ có hại cho Đảng, làm tổn thương lòng tin của nhân dân. Người không chỉ phê phán bằng văn thư hành chính nội bộ mà còn công khai lên công luận để tự phê bình trước dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Đó là hành động vô cùng dũng cảm, chỉ có được ở một Đảng cách mạng chân chính, vì dân, tin dân, trọng dân, trong bối cảnh đất nước còn thù trong, giặc ngoài lúc bấy giờ.

Là Đảng cầm quyền, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên chân chính, kiên trung đã không ngại hy sinh, gian khổ, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội, đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao như ngày nay.

Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng xác định mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” (Văn kiện Đại hội XIII). Đồng thời, “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII).

Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy định cụ thể, phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực. Quốc hội, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có những quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Cùng với việc hình thành đồng bộ thể chế, ngăn ngừa tha hóa quyền lực, Đảng đã và đang hành động rất quyết liệt trước thách thức của “giặc nội xâm” đe dọa làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng giai đoạn 2012 – 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến quyền lực dần bị tha hóa”.


ThS Nguyễn Vân Hậu