Những năm qua, TP Đà Nẵng luôn coi trọng công tác dân vận. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội theo hướng có trọng tâm, hiệu quả.

Nhiều mô hình hay

Một trong những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của TP Đà Nẵng được xem xét để nhân rộng trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội là mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” của LĐLĐ thành phố.

Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết từ năm 2012, các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ được thành lập. Đến nay, thành phố có 57 tổ công nhân tự quản với 8.526 công nhân lao động, thuộc LĐLĐ 4 quận, huyện: Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Hòa Vang. Ở các tổ tự quản, những trang thiết bị như loa di động, sách báo được trang bị để công nhân có thể cập nhật đầy đủ và nhanh nhạy các kiến thức pháp luật.

LĐLĐ TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm tăng cường kiến thức pháp luật cho người lao động tại các tổ tự quản, cụ thể như tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội; đồng thời, giúp công nhân tiếp cận kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản, kinh nghiệm giải quyết những điểm nóng; tuyên truyền pháp luật…

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người lao động ở các tổ tự quản chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước. Thời gian sắp tới, LĐLĐ TP Đà Nẵng dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này và tăng cường kinh phí hỗ trợ hoạt động.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng có chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, thông tin toàn thành phố có 1.743 trẻ mồ côi, trong đó có 1.599 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 124 trẻ mồ côi cả cha mẹ; 20 trẻ mồ côi do dịch COVID-19. 

Thời gian qua, nhiều phường, xã đã tổ chức nhận đỡ đầu trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi hoặc nhận đỡ đầu gián tiếp, hỗ trợ nguồn lực. Kết quả, 437 trẻ em mồ côi (giai đoạn 2022 – 2026) được các cấp hội nhận và kết nối với các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, thông qua các hình thức hỗ trợ tài chính cho trẻ hằng tháng với tổng số tiền trên 13 tỉ đồng/5 năm.

Ngoài ra, hội thường xuyên phân công cán bộ hằng tuần xuống gia đình các trẻ mồ côi để thăm hỏi, khuyên nhủ điều hay lẽ phải, hướng dẫn việc học tập, hỗ trợ công việc gia đình giúp các em yên tâm đến lớp, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng sẽ nhân rộng mô hình và dự kiến thực hiện ở 56 xã, phường trên toàn địa bàn.

Cán bộ phụ nữ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bán thực phẩm gây quỹ cho mô hình “Mẹ đỡ đầu”

Dễ nhớ, dễ làm

Ông Lê Văn Trung, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, cho hay thời gian tới, việc thực hiện “Dân vận khéo” cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” với những phương thức dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện sẽ góp phần huy động sức mạnh tổng thể các lực lượng nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của thành phố.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động tích cực trên các mặt phát triển kinh tế của thành phố. Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, phong trào được triển khai thực hiện và gắn kết, thúc đẩy, tăng hiệu quả.

“Dân vận khéo” còn được triển khai trong vận động nhân dân di dời, bàn giao mặt bằng tại các dự án trọng điểm. Trong đó, phương thức đối thoại, lắng nghe được chú trọng triển khai. Qua đó, nhiều hộ dân đã hiến đất làm đường, mở rộng lòng đường, ngõ xóm, bê-tông hóa các tuyến đường nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ông Triết nhấn mạnh việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị, nguyện vọng của nhân dân.

“Dân vận khéo” là biện pháp tối ưu để huy động sự đồng thuận trong nhân dân để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và quan điểm xuyên suốt “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” để thực hiện” – ông Triết nhấn mạnh.

Ông Triết cũng cho biết giai đoạn 2023 – 2025, mục tiêu của Đề án một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2030 là 100% cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị trên toàn thành phố có kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hằng năm, Đà Nẵng đặt mục tiêu phát động xây dựng ít nhất 1 mô hình “Dân vận khéo” trong phạm vi nhiệm vụ chuyên môn, lĩnh vực hoạt động, công tác của từng địa phương, đơn vị. 

Qua hơn 12 năm triển khai, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở TP Đà Nẵng đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 482 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và hệ thống chính trị. Mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội và các hội quần chúng đã triển khai thực hiện 107 mô hình; các sở, ngành, khối lực lượng vũ trang, Đảng ủy trực thuộc đã xây dựng 89 mô hình, trong đó có nhiều mô hình được duy trì thực hiện qua nhiều năm.


Bài và ảnh: BÍCH VÂN