Dân tộc ta có truyền thống văn hóa lâu đời qua hơn 4.000 năm lịch sử. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc. Mặt khác, chúng ta vừa chọn lọc tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới; đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái về tư duy và hành xử trái với truyền thống, đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc vừa thẳng thừng tẩy chay lối sống lai căng thực dụng, chạy theo thị hiếu tầm thường, đua đòi theo những “điều lạ” để “nổi tiếng” một cách vô tội vạ, bất chấp luân thường đạo lý.

Chương trình nghệ thuật “Niềm tin và khát vọng” chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tối 21-11. Ảnh: TTXVN

Tháng 7-1998, tại Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng khóa VIII, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, với những quan điểm cơ bản:

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ, trong đó cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Văn hóa là một mặt trận. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

Thực tiễn hơn 23 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề nêu trên đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp. Kinh tế – xã hội không ngừng phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh được bảo đảm, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế chính trị của Việt Nam luôn được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế… Điều đó cho thấy những quan điểm của Đảng ta về văn hóa là đúng đắn.


Mặc Sanh (cựu chiến binh TP Đà Nẵng)

Chia sẻ