Để xây dựng nền hành chính tiên tiến, đảng viên, cán bộ công chức phải ý thức sâu sắc quyết tâm chuyển đổi từ tư duy “cai trị” sang “phục vụ”.

Trong dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại mục XIII – Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đề cập 2 vấn đề: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch” và “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương”.

Dân gian hay ví von nền hành chính tức là “hành dân là chính”. Đa phần người dân đến thực hiện thủ tục tại các cơ quan công quyền đều mang nặng tâm lý nhờ vả và câu cửa miệng là “tôi đến đây để xin…”. Phản ánh một nền hành chính nặng xin – cho. Điều này làm người dân dần đánh mất quyền làm chủ của mình trong nền hành chính phục vụ.

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo để tuyên bố “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Lâm thời là công bộc của dân…” . Trải qua 75 năm, giờ đây nhìn lại, tinh thần “công bộc của dân” vẫn chưa hình thành trong nếp nghĩ và hành động của một bộ phận công chức. Để loại bỏ suy nghĩ đó, theo tôi cần những việc làm sau:

Xây dựng một nền hành chính dịch vụ

Có 2 loại hành chính tồn tại song song: hành chính cai trị và hành chính dịch vụ. Karl Marx có nói đại ý rằng khi xã hội văn minh và phát triển đến một mức nào đó thì nhà nước nhỏ lại và tiêu vong. Cụ thể, nhà nước cai trị sẽ tiêu vong và chỉ còn lại nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính.

Xã hội ta ngày càng phát triển, nền dân chủ XHCN ngày càng củng cố, do đó không có lý do gì phát triển loại hành chính cai trị mà ngược lại phải phát triển hành chính dịch vụ. Hành chính dịch vụ sẽ hướng tới một nền hành chính gần dân, lấy nhân dân làm trung tâm (chủ thể) đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của dân.

Trong một xã hội tiên tiến, cán bộ công chức là công bộc và phục vụ dân. Trong ảnh: Cán bộ công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH

Tăng cường xã hội hóa dịch vụ công

Đây là giải pháp quan trọng tạo ra một nền hành chính dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Thật ra, muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý hành chính hiệu quả, chính quyền phải giảm bớt nội dung quản lý. Lâu nay có tình trạng lĩnh vực gì nhà nước cũng muốn giữ độc quyền cung cấp… Mà nếu độc quyền làm thì chỉ cung cấp những dịch vụ kém chất lượng hoặc khan hiếm dẫn đến xin – cho.

Cần luật về hoạt động công vụ

Để nền hành chính hoạt động hiệu quả, phải tăng cường giám sát công chức, tăng trách nhiệm người đứng đầu.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định. Để làm được điều này, trước hết, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

Thiết nghĩ, để có đột phá trong cải cách hành chính nên chọn khâu hoạt động của đội ngũ công chức. Nhưng đột phá bằng cách nào? Mặc dù có Luật Cán bộ công chức nhưng nếu chúng ta muốn xây dựng một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả thì phải có luật về hoạt động công vụ.

Thanh – kiểm tra, lập lại kỷ cương

Có thể nói hiện nay, tình trạng thiếu kỷ cương trong nền hành chính công vụ vẫn còn tồn tại, gây phiền hà cho dân. Để khắc phục, có thể kể ra hàng loạt giải pháp và được thực hiện đồng bộ, từ khâu tuyển dụng đến chăm lo điều kiện sống, điều kiện làm việc tương xứng. Phải đặt công chức trong một hệ thống công nghệ quản lý hành chính tiên tiến.

Quan trọng nhất là phải thực thi nghiêm khâu kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm. Thực tế cho thấy, khâu này lại yếu nhất trong cả hệ thống. Chính vì vậy, trong giai đoạn trước mắt, cần tăng cường thanh tra công vụ, mạnh tay xử lý vi phạm để tạo tiền đề cho việc lập lại kỷ cương công vụ.

Một nền công vụ trong sạch, hiệu lực, hiệu quả là nền công vụ trong đó mỗi công chức biết mình phải làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu vi phạm không hoàn thành công vụ. 

Cần quyết tâm cao

Dự thảo văn kiện đã đề ra rất đúng trọng tâm khi xác định vấn đề “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong nền hành chính…”. Với tầm quan trọng của nội dung trên, thiết nghĩ nên trình bày với liều lượng tương xứng; nhấn mạnh, làm sâu sắc hơn để nói lên sự quyết tâm, quyết liệt cải cách nền hành chính. Qua đó, các cơ quan hành chính, đảng viên, cán bộ công chức trong bộ máy phải ý thức sâu sắc quyết tâm chuyển đổi từ tư duy “cai trị” sang “phục vụ”, biến nó thành hành động cụ thể của cả nền hành chính và mỗi cá nhân để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.


DIỆP VĂN SƠN

Chia sẻ