Năm 2009, thực hiện chủ trương “xóa bản trắng đảng viên” của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 – Quân khu 4 đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Tam Chung, huyện Mường Lát và Bộ Chỉ huy Quân sự Thanh Hóa tuyển chọn một số con em người dân tộc Mông nhập ngũ. Từ đó, bồi dưỡng, kết nạp họ vào Đảng, làm nòng cốt xây dựng, phát triển Đảng sau này.

Áp dụng nhiều mô hình kinh tế

Bản Ón, xã Tam Chung thời điểm đó không có đảng viên. Là người đầu tiên ở bản học hết chương trình phổ thông, anh Giàng A Chống (SN 1987, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Ón) lúc ấy được tuyển chọn nhập ngũ tại Bộ Chỉ huy Quân sự Thanh Hóa.

Anh Giàng A Chống (bên phải), người đầu tiên ở bản Ón đứng vào hàng ngũ của Đảng

Sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ tại đảo Hòn Mê, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với sự giúp đỡ, bồi dưỡng tận tình của cấp ủy đơn vị, anh Giàng A Chống vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Được học hành và là đảng viên nên khi rời quân ngũ về với bản làng, anh Giàng A Chống đã vận dụng những kiến thức được trang bị, tích cực chia sẻ, động viên, vận động bà con dân bản áp dụng tiến bộ khoa học vào phát triển kinh tế, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Rất nhiều mô hình như nuôi heo sinh sản, nuôi trâu bò, trồng cây ăn quả… đều được anh Giàng A Chống triển khai tiên phong.

“Lúc đầu, người dân không mặn mà, thậm chí còn nói chỉ cần lên nương trồng lúa, trồng ngô cũng đủ ăn. Khi thấy gia đình tôi nuôi, trồng có hiệu quả, nhiều hộ dân đã có nhận thức, cách nhìn khác và ai cũng tin, làm theo. Đến nay, hầu hết gia đình nào cũng có ít nhất một mô hình. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo” – anh Giàng A Chống phấn khởi.

Nhiều gia đình ở bản Ón áp dụng tốt các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Không chỉ giúp người dân cùng nhau vươn lên thoát nghèo, anh Giàng A Chống còn được cấp trên tin tưởng giao tìm nguồn, giúp đỡ nhiều quần chúng ưu tú trong bản đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ hạt nhân duy nhất là anh Giàng A Chống, đến nay, bản Ón đã có chi bộ Đảng với 11 đảng viên, tất cả đều là con em đồng bào Mông.

“Nhiều người dân trong bản vào Đảng là có nhiều lợi thế lắm, nhất là giúp cho việc triển khai các chính sách của Đảng, nhà nước rất dễ dàng. Từ đó, công tác xóa đói giảm nghèo cũng được triển khai rất hiệu quả. Trước đây nhiều người thất học, dân bản không mặn mà với việc đưa con em tới trường. Đến nay, 100% trẻ em đều được đến trường, nhiều người học xong phổ thông, ra đô thị tìm việc làm. Nạn tảo hôn, hủ tục ma chay, cưới hỏi cũng từ đó dần dần được xóa bỏ” – Bí thư Chi bộ bản Ón Giàng A Chống hồ hởi.

Bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, cho biết từ năm 2011, bản Ón không còn là bản trắng đảng viên. Là đảng viên đầu tiên của bản, anh Giàng A Chống đã vận động vợ tham gia đứng vào hàng ngũ của Đảng.

“Công tác bảo đảm an ninh vùng biên tại đây ngày càng vững chắc. Chúng tôi có nhiều giải pháp quyết liệt, trách nhiệm, phân công các đảng viên trong ban thường vụ, ban chấp hành về sinh hoạt cùng các chi bộ bản, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy có hướng đi đúng đắn. Từ đó, giúp người dân nắm bắt sớm các chương trình, nghị quyết của Đảng” – bà Lò Thị Thiết nhận xét.

Xóa bỏ hủ tục

Trước đây, trong cộng đồng người Mông tồn tại nhiều hủ tục như tảo hôn, ma chay, thách cưới… Thế nhưng, kể từ khi 26 bản Mông ở Mường Lát có đảng viên, những hủ tục ấy dần dần được xóa bỏ. Đây thực sự là một sự thay đổi lớn đối với người Mông ở huyện biên giới này.

10 năm trước, khi có người mất, đồng bào Mông thường tổ chức đám tang rất linh đình, tốn kém. Mỗi người con (dâu, rể) phải góp 1 con trâu hoặc bò để làm đám tang; họ hàng, người thân thì góp heo, gà. Có những đám tang khi tính ra tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử là đám tang của cụ Hạng Thị Dợ vào năm 2015 tại bản Tà Cóm, xã Trung Lý tiêu tốn khoảng 300 triệu đồng. Cụ Dợ có 9 người con nên lúc cụ khuất núi, 9 con trâu, bò của các con và 1 con của chồng được góp vào làm thịt cúng đám tang. Ngoài ra, anh em, họ hàng cũng góp tới 32 con heo…

Không những thế, người Mông còn không cho người mất vào quan tài mà treo lơ lửng giữa nhà rồi tổ chức làm ma chay kéo dài 5-7 ngày mới đem đi chôn. Khi ấy, thi thể đã bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường.

Nhờ sự gương mẫu của các đảng viên, nhất là việc tiên phong của ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát (năm 2013, ông quyết định đưa người nhà mất vào quan tài và tổ chức ma chay tiết kiệm, ngắn gọn), mà đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông đến năm 2020” của UBND tỉnh Thanh Hóa được triển khai có hiệu quả.

“Trước đây, việc vận động bà con đưa người chết vào quan tài ở bản Ón cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự đi đầu của nhiều đảng viên người Mông mà đến nay, dân bản có người chết đều được đưa vào quan tài. Mỗi đám tang chỉ cúng 1 con trâu, bò và việc tổ chức ma chay được rút ngắn, không kéo dài” – anh Giàng A Chống dẫn chứng.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cho biết vai trò của cán bộ, đảng viên, chi bộ tại các bản Mông đã làm thay đổi dần phong tục tập quán lạc hậu của người dân, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn huyện.

“Bản Ón tuy không xa trung tâm huyện nhưng nằm ở khu vực biên giới, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Kể từ khi có đảng viên, bản Ón đã từng bước thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần nơi đây nâng lên rõ rệt. Sự thay đổi ở đây có công không nhỏ của đảng viên Giàng A Chống” – ông Xiết nhấn mạnh. 

“Từ một huyện biên giới có tới 26 bản (100% người Mông) không đảng viên, đến nay, Mường Lát đã xóa được bản trắng đảng viên. Đây là lực lượng tiên phong, nòng cốt giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng biên.


Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Chia sẻ