Để ghi nhớ sự kiện trên cũng như đánh giá cao vai trò, vị trí và ý nghĩa của công tác cổ động và tuyên truyền, năm 2000, Bộ Chính trị , Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Đến năm 2007, Ban Bí thư (khóa X) đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê trao bằng khen cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên giáo.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chặng đường 92 năm (1.8.1930 – 1.8.2022) rất vẻ vang của ngành Tuyên giáo là minh chứng đầy sức thuyết phục về sự đóng góp to lớn của những người làm công tác tuyên giáo qua nhiều thế hệ, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc qua các thời kỳ cách mạng.

Nhìn lại chặng đường ấy, những người làm công tác tuyên giáo tự hào và vô cùng phấn khởi trước những thành tựu to lớn của đất nước mà mình đã ra sức cống hiến. Các thế hệ làm công tác tuyên giáo đã luôn nêu cao phẩm chất chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; bất cứ trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn tỏ rõ khí tiết của người cộng sản, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Quá trình tổ chức, xây dựng, phát triển và trưởng thành của ngành tuyên giáo cho thấy công tác tuyên giáo luôn được Đảng ta đưa lên vị trí hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Theo đó, ngành Tuyên giáo luôn giữ vai trò tham mưu chiến lược của Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, khoa giáo… Những người làm công tác tuyên giáo luôn bám sát phong trào cách mạng, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, làm tốt việc cổ vũ tuyên truyền quần chúng hăng hái thi đua lập công, đồng thời kịp thời phản ánh tình hình dư luận và tâm trạng xã hội để giúp cấp ủy các cấp đánh giá đúng về phong trào cách mạng nhằm hoạch định, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện và ban hành các quyết sách, bảo đảm cho cách mạng luôn thắng lợi, hợp với ý Đảng, lòng dân.


Mặc Sanh (Đà Nẵng)