Sở dĩ Thủ tướng có công điện nêu trên là do có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của số cán bộ, công chức này trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Liên quan vấn đề này, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh – Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội – đề cập tâm lý làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm đang phổ biến ở một số cơ quan, đơn vị, nhất là ở địa phương. Trước đó, tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận có tình trạng một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm; một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc sẽ dẫn đến hậu quả là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Trước thực trạng nêu trên, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) diễn ra ngày 10-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này.

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám giải quyết công việc, ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Để khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, thiết nghĩ cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phải rõ ràng, dễ áp dụng; khẩn trương ban hành Nghị định quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.


Minh Châu (TP HCM)