Nghĩa sĩ Cấn Văn Độ, sinh năm 1847, người làng Kim Quan, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Phụ thân ông mất sớm khi Cấn Văn Độ chỉ mới 7 tuổi, do vậy được ông nội (vốn là một nhà nho giàu lòng yêu nước) mang về nuôi dưỡng.

Lúc còn rất trẻ, Cấn Văn Độ đã nổi danh khắp vùng biệt tài văn hay, võ giỏi, được người đời vô cùng mến phục.

Đình Kim Quan đã được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 15-11-1991

Trong bối cảnh lịch sử đất nước lúc này triều đình Huế vừa nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho thực dân Pháp đã thôi thúc ông Cấn Văn Độ tập hợp lực lượng, tích lũy lương thảo, mua sắm vũ khí chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của nông dân xã Kim Quan và vùng Thạch Thất.

Căn cứ làng Kim Quan sau đó đã được nghĩa quân xây dựng thành làng chiến đấu, dần trở thành một lực lượng mạnh ở cát cứ Thạch Thất. Vì vậy, có lần Tổng đốc Hà Nội phải cử quan Lãnh binh Sơn Tây về nhằm thuyết phục Cấn Văn Độ hợp tác với chúng, còn hứa hẹn sẽ trao cho ông nhiều quyền cao chức trọng, nhưng ông nhất quyết từ chối.

Năm 1863, Pháp chiếm được thành Sơn Tây, lập ách thống trị, tuyển mộ tay sai binh lính. Trong đó có tên Tuần Linh, rất khét tiếng gian ác và giao cho Tuần Linh cai trị vùng Thạch Thất.

Vào ngày rằm tháng Giêng, năm Ất Sửu (1865), ngay từ lúc sáng sớm, thủ lĩnh nghĩa quân Cấn Văn Độ oai nghiêm trên mình ngựa, đoản kiếm dắt bên hông đã cùng nghĩa quân hàng hàng, lối lối, khí thế hùng dũng dưới lá cờ đại nghĩa kéo ra chợ Cấm (cách huyện lỵ Thạch Thất khoảng 3 km) làm lễ tế cờ khởi nghĩa.

Trước khí thế hừng hực của nghĩa quân do Cấn Văn Độ chỉ huy, Tuần Linh phải huy động số đông binh lính, được trang bị vũ khí của Pháp để đối phó.

Chúng đã nhiều lần đánh phá Thạch Thất, có lần tiến vào làng Hương Ngãi đốt làng, phá đình, chùa, sát hại hơn 60 người, tiếp theo kéo vào tiến đánh Kim Quan nhiều lần nhưng bị nghĩa quân của Cấn Văn Độ đánh trả quyết liệt, đành phải tháo lui. Cuộc chiến đấu của nghĩa quân như vậy giằng co kéo dài trong nhiều năm.

Có thời điểm do quân Pháp và tay sai ở Sơn Tây được chi viện thêm ngày càng mạnh lên, buộc nghĩa quân phải rút vào chân núi Ba Vì chờ thời cơ.

Trước tình thế bị vây giáp, Cấn Văn Độ đã cử người đi Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) liên lạc với nghĩa quân Đề Thám đề nghị xin gia nhập.

Lợi dụng thời cơ nghĩa quân đang rút vào rừng, Tuần Linh chiếm được huyện lỵ Thạch Thất, đòi dân làng Kim Quan phải giao nộp Cấn Văn Độ rồi chĩa loa vào rừng kêu gọi ông về hàng, bằng không chúng sẽ tiêu diệt tất cả dân chúng, san bằng cả làng Kim Quan, trong đó có nhiều họ hàng, anh em.

Trong khi đó, người lãnh nhiệm vụ đi gặp Đề Thám vẫn bặt tin.

Sau nhiều đêm không ngủ tìm kế sách và sau khi đã bàn bạc cùng những người dưới quyền, Cấn Văn Độ quyết định một mình đi gặp Tuần Linh.

Sáng sớm ngày 5 tháng Giêng năm Quý Tỵ (1893), ông Cấn Văn Độ một mình một ngựa đi về hướng Thạch Thất, khi vừa đến bờ sông Tích thì bị quân của Tuần Linh phục sẵn bắt giữ đưa về đình Kim Quan trói vào cọc ở giữa sân.

Tuần Linh trực tiếp dụ dỗ ông đầu hàng nhưng cuối cùng cũng không lay chuyển được ý chí của ông. Đúng giờ Ngọ cùng ngày hôm đó, ông Cấn Văn Độ bị giặc chặt đầu ngay tại sân đình làng Kim Quan, ông qua đời ở tuổi 47.

Vào năm 1991, dân làng Kim Quan nhớ lại công tích của Cấn Văn Độ đã rước bài vị ông về phụng thờ ở đình làng (Đình Kim Quan) để tưởng nhớ công ơn người anh hùng đã hi sinh vẻ vang, anh dũng vì dân, vì nước.


B.Trân