“Từ khi có ánh sáng đường quê, an ninh nông thôn được củng cố; đường làng, ngõ xóm bừng lên sắc mới” – anh Nguyễn Vĩnh Quý – Bí thư Thị đoàn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình – phấn khởi.

Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu

Sau khi trao đổi với Bí thư Thị đoàn Ba Đồn Nguyễn Vĩnh Quý, tôi đến Quảng Tân và Quảng Trung – 2 xã còn thuộc diện khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thị xã. Ở đây, đường làng, ngõ xóm vẫn còn nhiều cây cối rậm rạp, hiu quạnh.

Anh Phan Đức, Bí thư Xã đoàn Quảng Tân, hăm hở dẫn tôi đến bên những cột điện dọc đường rồi mở các hộp khóa, bật công tắc điện. Tôi ở lại nhà anh tối đó và được bước trên những con đường quê, được nghe kể về lực lượng thanh niên của 2 xã Quảng Tân và Quảng Trung đã khắc phục khó khăn thế nào trong việc huy động nguồn vốn, hiến kế hiến công để mắc mới 600 bóng điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm.

Đoàn viên, thanh niên xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình lắp đặt đèn đường trong phong trào Thắp sáng đường quê năm 2020

Hưởng ứng phong trào Thắp sáng đường quê do Trung ương Đoàn phát động, năm 2014, Thị đoàn Ba Đồn đã khẩn trương triển khai. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên các xã, phường, thôn đã khảo sát các tuyến đường chưa có đèn điện, ưu tiên tuyến đường đất hẻo lánh thường xuyên mất trật tự an toàn xã hội.

Sau đó, các đoàn xã làm việc với chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện. Các đoàn xã đã bằng nhiều cách linh hoạt để huy động nguồn vốn về mua dây điện, bóng đèn, đoàn viên thanh niên thì hăng hái ủng hộ ngày công. Cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các xã đã hết sức quan tâm trong việc hỗ trợ vốn và vận động người dân hưởng ứng phong trào.

Trong quá trình triển khai, nhiều tập thể tiêu biểu ở cơ sở đã được ghi nhận, đó là các Xã đoàn Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Tiên, Quảng Tân. Phong trào cũng xuất hiện các cá nhân điển hình như: Phạm Thị Mỹ Linh, Bí thư Đoàn xã Quảng Trung; Đoàn Tiến Dũng, Bí thư Chi đoàn thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên… Đến tháng 5-2021, phong trào Thắp sáng đường quê đã được triển khai gần như phủ kín các thôn, tổ dân phố của thị xã Ba Đồn với 26 km đường, hơn 600 bóng đèn.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Kể về việc triển khai công trình Thắp sáng đường quê ở thôn Biểu Lệ, xã Quảng Trung, chị Phạm Thị Mỹ Linh cho biết ban đầu, người dân cũng hoài nghi về tính khả thi của công trình, vì với vùng nông thôn nghèo thì huy động vài chục triệu đồng là rất khó. Thế nhưng, khi được tuyên truyền, vận động, dần dần bà con hiểu về lợi ích của công trình, từ đó hưởng ứng nhiệt tình nên đoàn xã mới huy động được gần 60 triệu đồng.

Chị Linh hồ hởi: “Chú Hồ Ngọc Tỵ ủng hộ 10 triệu đồng, chị Thu Hương 5 triệu đồng… Chúng tôi rất mừng vì nhiều người hưởng ứng. Nhờ đó, thôn Biểu Lệ đã lắp đặt được 60 bóng điện thuộc 4 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 4 km. Việc trả tiền điện hằng tháng được đưa ra lấy ý kiến người dân khi họp thôn và được đồng ý là dựa vào nguồn đóng góp của bà con trong thôn”.

Tuyến đường tại khu vực 1 và khu vực 2 của thôn Biểu Lệ nằm gần đồi núi, lại áp sát đường tàu hỏa nên rất khó khăn cho người dân trong việc đi lại vào ban đêm. Giờ có hệ thống đèn đường nên bà con rất phấn khởi vì việc đi lại dễ dàng hơn.

Xóm Mới của xã Quảng Tân thì có tuyến đường đê thủy lợi chạy qua. Ở đây cây cối rậm rạp, một thời ban đêm thường xảy ra các tệ nạn xã hội. Nay có hệ thống đèn điện chiếu sáng, bà con mừng vì tệ nạn giảm hẳn. Nhiều người dân vui mừng gửi lời cảm ơn lực lượng đoàn viên thanh niên.

Cụ bà Phạm Thị Miễn, 87 tuổi, ngồi hóng mát trên đường đê của xóm Mới, nghe tôi hỏi liền móm mém cười: “Trước đây, đường tối đen, đi lại khổ lắm, nhất là sợ rắn rết. Nay đi đâu cũng không sợ nữa. Đêm mùa hè nóng nực, ra đây ngồi hóng mát cũng thấy sướng rồi. Cảm ơn các cháu đoàn thanh niên của xã nhiều lắm”. 

Tạo nguồn cho Đảng

Theo Bí thư Thị đoàn Ba Đồn Nguyễn Vĩnh Quý, kết quả của phong trào cho thấy khi lòng nhiệt thành của đoàn viên, thanh niên nông thôn được khơi đúng mạch nguồn, nếu có thêm sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân thì việc gì khó cũng có thể hóa giải được.

Trong quá khứ, nhiều công trình công ích đã được xây dựng với sự tham gia của các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Những việc như thế rất cần được nhân lên. Qua thực tiễn sinh động, ban chấp hành Đoàn ở các cấp cơ sở cũng sẽ lựa chọn được đội ngũ đoàn viên ưu tú, tạo nguồn cho Đảng.

Sinh hoạt đảng viên theo Quy định 213 cần hiệu quả hơn

Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2-1-2020 “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú” (Quy định 213) có vai trò quan trọng để đảng viên gần gũi nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; khắc phục những biểu hiện Đảng viên sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của dân ở nơi mình cư trú.

Theo quy định này, tổ chức Đảng nơi đảng viên đang cư trú có trách nhiệm tiếp nhận, lập danh sách đảng viên đang công tác tham gia sinh hoạt, giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú ở đơn vị mình, thông báo cho từng đảng viên biết để liên hệ trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên nơi cư trú; đồng thời tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ. Định kỳ 6 tháng hoặc khi cần thiết, Đảng ủy xã, phường, thị trấn chỉ đạo chi ủy, chi bộ trực thuộc tổ chức họp đảng viên đang công tác cư trú trên địa bàn để thông báo tình hình, nhiệm vụ của địa phương hoặc chuyên đề cần tham khảo ý kiến đảng viên đang công tác, để họ nắm được thông tin, tham gia góp ý kiến…

Đảng viên ở nơi cư trú có nhiệm vụ gương mẫu trong thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương; tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp định kỳ và các cuộc họp do cấp ủy nơi cư trú triệu tập; vận động gia đình và nhân dân xây dựng mối quan hệ gắn bó đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; kịp thời báo cáo với chi ủy nơi công tác và nơi cư trú khi chuyển sang nơi khác…

Làm sao để sinh hoạt đảng viên theo Quy định 213 có hiệu quả là vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay, cấp ủy cơ sở duy trì thường xuyên 2 lần/năm cung cấp thông tin tình hình của cơ sở cho đảng viên. Tuy nhiên, ý kiến của đảng viên trong sinh hoạt rất ít, nhiều cuộc họp không có ý kiến nào. Việc sinh hoạt diễn ra gần như “theo bài” sẵn có: Triệu tập đảng viên đến hội trường, cấp ủy thông tin tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, hỏi đại biểu nào có ý kiến không, rồi cảm ơn và kết thúc. Tại các buổi họp này, lãnh đạo UBND cùng cấp thường chỉ có một phó chủ tịch tham dự. Cũng có đại biểu có ý kiến cần trao đổi, chất vấn nhưng hầu như đa số không muốn phát biểu vì thấy vấn đề nói ra khó mà được giải đáp thỏa đáng.

Việc sinh hoạt đảng viên theo Quy định 213 không phải chỉ đến để nghe thông tin, mà quan trọng là đại biểu sẽ có những ý kiến, trao đổi với địa phương. Do đó, nên chăng trong các buổi họp này cần có đại diện cấp trên, có lãnh đạo UBND và các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, đặc biệt là lãnh đạo các bộ phận mà người dân quan tâm như địa chính, công an phường, xã…

Chỉ khi có đầy đủ những cơ quan, bộ phận có trách nhiệm, khi ấy đảng viên sẽ phát huy vai trò của người đảng viên để tham gia ý kiến có trách nhiệm và trao đổi thẳng thắn những vấn đề của địa phương mà đại biểu quan tâm.

Vũ Trung Kiên (TP HCM)


Đảng viên phải gương mẫu

Theo tôi, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân. Cán bộ, đảng viên phải có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể. Khi cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong nêu gương và tự giác nêu gương sẽ tạo sức lan tỏa, sự lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng, như lời dạy của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Việc thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ quá trình từ “học tập” sang “làm theo” Bác, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Từ đó, nâng cao tinh thần của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và người dân về lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Lương Văn Hồng (cán bộ hưu trí; phường 11, quận Tân Bình, TP HCM)


Bài và ảnh: Trần Văn Bình

Chia sẻ