Năm 1965, bà tham gia lực lượng thanh niên xung phong mở đường Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến tranh kết thúc, bà trở về với cuộc sống đời thường. Chồng mất khi mới 33 tuổi, bà ở vậy, làm đủ thứ nghề để kiếm sống và nuôi 2 con.

“Cuộc đời tôi trước đây gặp nhiều gian nan, trắc trở. Cũng có lẽ chính vì những khó khăn đó cộng với gian khổ trên chiến trường đã rèn cho tôi những đức tính của người chiến sĩ xung phong. Khi chồng mất, tôi dẫn 2 con vào Nam sinh sống. Lúc đầu, tôi làm cho một xí nghiệp, sau đó buôn bán nhỏ nhưng vẫn không đủ sống nên 2 con lần lượt phải bỏ học để phụ giúp” – bà Thanh chia sẻ.

Dù tuổi cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà Thanh không chấp nhận số phận nghèo khó mà luôn vươn lên, bươn chải. Đặc biệt, bà còn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, mà theo bà đó là với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Gần 40 năm sinh sống tại Kiên Lương, những con đường, những ngõ ngách dần quen thuộc vì ngày nào bà Thanh cũng rong ruổi để bán vé số. Dù hiện sức khỏe đã giảm sút rất nhiều, lại mang nhiều chứng bệnh trong người nhưng đối với bà, còn đi được là còn mưu sinh được. Hai con đã có gia đình riêng nhưng cuộc sống cũng không được khá giả nên bà vẫn tự lo cho bản thân. Nữ cựu thanh niên xung phong này nói bà luôn nghĩ bản thân còn sức khỏe thì cứ lao động để kiếm sống.

Bà Nguyễn Thị Thanh thường đến Hội Chữ thập đỏ huyện Kiên Lương gửi tặng gạo cho các đối tượng khó khăn

Năm 2017, bà tham gia Hội cựu Thanh niên Xung phong huyện Kiên Lương. Nhờ nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội nên bà được tạo điều kiện vay vốn 5 triệu đồng. Từ số tiền này, bà lãnh từ 150-200 tờ vé số/ngày, đi bán kiếm lời mỗi ngày được 100.000-150.000 đồng. Với số tiền ít ỏi này, một phần bà tích lũy, trả lãi cho hội, một phần để dành phòng khi đau ốm và làm từ thiện.

Ông Phạm Trọng Số, Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên Xung phong huyện Kiên Lương, cho biết từ khi được hội xét cho vay vốn, bà Thanh tập trung vào bán vé số và luôn trả đúng hạn. Không những vậy, mỗi khi hội phát động các phong trào hay hoạt động gì thì bà rất tích cực, nhiệt tình tham gia đóng góp. “Bà Thanh còn có tấm lòng thiện nguyện cao cả. Dù khó khăn nhưng bà vẫn đóng góp, ủng hộ cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn hơn mình” – ông Số nói.

Nói về bà Thanh, ông Lê Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kiên Lương, nhìn nhận: “Hội Chữ thập đỏ huyện thường xuyên nhận được những phần đóng góp từ cô Thanh ủng hộ cho bếp cơm cháo từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương. Đây thật sự là một trong những tấm gương biết vượt lên số phận và có tấm lòng nhân ái cao cả. Hội chúng tôi rất trân trọng và biết ơn những tấm gương như thế”.


Bài và ảnh: Thốt Nốt