Ảnh minh họa

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Tài chính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung “xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân sai phạm tài chính đối với quyết toán ngân sách năm 2020” theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tính đến ngày 31-3-2023.

Theo đó, 1.444 tổ chức đã bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý. Bộ Tài chính đã tiến hành xử lý 1.295 tổ chức, đang xử lý 127 tổ chức và chưa xử lý 22 tổ chức.

Đối với cá nhân, 2.735 người đã bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý. Theo đó, Bộ Tài chính đã xử lý 2.519 cá nhân, đang xử lý 200 người và 16 người chưa xử lý.

Hình thức kỷ luật đối với các tổ chức làm sai nguyên tắc là kiểm điểm nghiêm khắc, một số tổ chức chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ vụ việc. Đồng thời, thu hồi số tiền phải nộp ngân sách do chi sai chế độ.

Số tổ chức đang xử lý là những đơn vị đến nay chưa nộp đủ số tiền phải nộp theo kết luận của đoàn kiểm toán và thanh tra, hoặc chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý, chưa có kết luận điều tra. Tuy vậy, theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thì các tổ chức này sẽ nộp đủ số tiền phải nộp trong đầu năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là đối với người đứng đầu, trong việc để xảy ra sai phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước đã được thực hiện theo kết luận kiểm toán, thanh tra.

Đáng nói là số trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý vốn, tài sản nhà nước niên độ 2020 tăng mạnh so với niên độ 2019. Cụ thể, tập thể vi phạm từ 640 tổ chức trong niên độ 2019 tăng lên 1.444 tổ chức ở niên độ 2020, tức tăng 125,63%; cá nhân từ 1.198 lên 2.735 người, tăng 128,3%.


Thy Thơ