Sáng 24-6, tại tọa đàm “Nghẽn lệnh tại HoSE, thực trạng và giải pháp” do CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức trực tuyến ở hai đầu cầu chính Hà Nội và TP HCM, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết nhiều khả năng cuối năm nay, hệ thống giao dịch mới do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) triển khai sẽ đưa vào vận hành. Hệ thống này không chỉ xử lý hết tình trạng nghẽn lệnh mà còn đưa hoạt động của thị trường chứng khoán sang một bước tiến mới.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Trả lời câu hỏi chiến dịch 100 ngày triển khai sửa hệ thống giao dịch sàn HoSE của Tập đoàn FPT đã sắp kết thúc, ông Dũng cho hay chiều nay, Ban Chỉ đạo về xử lý nghẽn lệnh sẽ họp và kết luận. “Từ báo cáo FPT, chúng tôi cam kết sẽ đưa vào vận hành hệ thống mới của FPT sớm nhất có thể nhưng phải không còn trục trặc. Chắc chắn cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ chính thức vận hành. Cho chúng tôi nợ 1 ngày cụ thể nhưng sẽ không vượt quá thời hạn mà 100 ngày đã cam kết” – ông Dũng nhấn mạnh.

Việc xử lý nghẽn lệnh trong giai đoạn vừa qua có chậm không, nếu phải làm lại thì có làm khác không, có sáng kiến gì mới không? Ông Trần Văn Dũng khẳng định: “Chúng ta đang trong giữa chiến dịch xử lý nghẽn lệnh trên HoSE, đây là một khoảng lặng của chúng tôi mà sau một thời gian căng thẳng. Chiến dịch đang triển khai, chưa phải lúc để nhìn lại nhưng đến giờ phút này, tôi tin rằng nếu có làm lại, chúng tôi cũng khó mà làm khác được”.

Theo ông Trần Văn Dũng, bản thân ông, người làm quản lý thì khi hiện tượng việc nghẽn lệnh xảy ra là điều rất đáng tiếc. Bởi lẽ thời gian qua, thị trường phát triển rất mạnh. 

“Gần ¼ thế kỷ tham gia, tôi chỉ mong thị trường chứng khoán được như hôm nay vì thị trường phát triển mạnh về quy mô, độ sâu, độ rộng với nhiều nhà đầu tư quan tâm. Từ đó, doanh nghiệp cũng như Chính phủ đều đã huy động được vốn. Nhưng việc nghẽn lệnh đã làm cho chúng ta phiền toái trong niềm vui chung” – ông Dũng bày tỏ.

Người đứng đầu ngành chứng khoán cho hay từ 21-12-2020, khi nghẽn lệnh bắt đầu xảy ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rất sát sao Ủy ban Chứng khoán và HoSE làm sao xử lý nhanh, hiệu quả nhất. Bộ Tài chính coi đây là trường hợp khẩn cấp quốc gia, cần phải tập trung mọi nỗ lực để xử lý dứt điểm. Bộ Tài chính khi đó đã chỉ đạo tất cả các cơ quan liên quan vào cuộc và tạo điều kiện hết sức để các bên cùng thực hiện dự án này. Một Ban Chỉ đạo xử lý sự cố đã được thành lập do lãnh đạo Bộ Tài chính làm trưởng ban.

“Chúng tôi cũng được chỉ đạo từ Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ là không để thị trường chứng khoán ngừng nghỉ ngày nào, phải tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư chứng khoán được giao dịch. Tất cả những giải pháp thì HoSE đã nói nhiều, đã triển khai, có giải pháp khẩn cấp, cái giải pháp phải lâu dài” – ông Dũng nói.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, khó khăn lớn nhất trong quá trình xử lý nghẽn lệnh là làm sao tìm được giải pháp tốt nhất trong bối cảnh rất nhiều sức ép, từ nhu cầu thị trường, sức ép từ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là sức ép làm sao chọn ra giải pháp tốt nhất trong 1 rừng giải pháp. 

“Các công ty chứng khoán, công ty công nghệ, các nhà khoa học, nhà kinh tế… hiến kế rất nhiều giải pháp, chúng tôi đã nghiên cứu nghiêm túc và tiếp thu nhiều góp ý định hướng của bộ ngành nhưng phải lựa chọn 1 giải pháp khả thi nhất” – ông Dũng cho biết.


Sơn Nhung – Minh Chiến

Chia sẻ