7 giờ sáng 13-7, xe bán hàng lưu động đầu tiên của siêu thị AEON Việt Nam xuất phát tới điểm bán tại quận 3 và nhanh chóng tổ chức bán.

Chỉ trong buổi sáng, 3 xe bán hàng lưu động khác của AEON đã đưa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đến tay người dân tại 4 điểm, thuộc 3 quận Tân Bình, Bình Thạnh và quận 3. 

Chị Thục Như (ngụ phường 14, quận Bình Thạnh), mua được thịt heo với một số rau tươi tại điểm bán hàng lưu động trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, cho biết biết mấy ngày rồi chợ gần nhà đóng cửa, còn phải hạn chế ra đường nên cả nhà toàn dự trữ thực phẩm khô. “Nghe phường thông báo sẽ có điểm bán hàng lưu động, tôi lập tức đến mua ngay” – chị Thục Như kể. 

Đông đảo người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm, rau xanh tại điểm bán hàng lưu động trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh

Ông Nguyễn Nhơn Quý, Trưởng phòng Truyền thông AEON Việt Nam, cho biết các chuyến xe bán hàng lưu động AEON đang triển khai theo sự vận động của Sở Công Thương TP HCM nhằm kịp thời đưa hàng hoá đến các khu đông dân cư, giúp giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu của người dân trong bối cảnh TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Rau củ, thịt đươc đóng gói sẵn, việc mua bán diễn ra nhanh chóng để hạn chế tối đa việc giao tiếp không cần thiết

“Mặc dù đây là mô hình mới, AEON lần đầu thực hiện, thời gian chuẩn bị cần triển khai nhanh cho phương tiện, hàng hóa, phương án bán hàng, nhân sự và bảo đảm các biện pháp phòng dịch nên còn gặp đôi chút khó khăn bước đầu nhưng  AEON đã phối hợp với các đối tác để có thể triển khai hoạt động này nhanh nhất có thể. Chúng tôi sẵn sàng tăng thêm các điểm bán tại các khu vực khác có nhu cầu để phục vụ người dân khi Sở Công Thương cùng UBND các quận đề nghị và hỗ trợ” – ông Quý chia sẻ.

Trước AEON, trong 2 ngày 11 và 12-7, một số chuyến xe bán hàng lưu động của các đơn vị như MM Mega Market, Vettel Post, Tổng Công ty Đối tác chân thật (thuộc Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam), Bách Hoá Xanh, Satra… đã khởi hành đưa hàng hoá thiết yếu, rau củ quả tươi đến phục vụ người dân một số khu vực đông dân cư trong khi số cửa hàng, siêu thị còn ít, không đáp ứng kịp nhu cầu mua sắm tăng cao. 

Trứng gà, rau xanh tại các điểm bán lưu động luôn bán chạy

Riêng Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam đã tổ chức đến 15 chuyến xe bán nhu yếu pẩm, rau củ, thịt, trứng, gạo… trong 2 ngày qua. “Hôm nay sẽ có thêm 15 chuyến xe mang 300 kg thịt, khoảng 4 tấn rau đến bán cho bà con TP. Dự kiến, mỗi điểm sẽ phục vụ được khoảng 100 khách hàng” – ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam, thông tin.

Điểm bán hàng của Tổng Công ty Đối tác chân thật dựng sẵn bảng giá để khách hàng dễ chọn mua sản phẩm

Theo ông Hân, nhờ vận động được các nhà cung cấp tham gia bán hàng giá gốc cùng một số nguồn hỗ trợ, các xe bán hàng lưu động trung tâm triển khai đang bán nhiều mặt hàng rau củ, thịt heo… với giá bình ổn, thậm chí thấp hơn cả giá hàng bình ổn TP đang áp dụng. Chẳng hạn, thịt heo Vissan được đóng gói hút chân không, bảo quản trong thùng lạnh, bán 50.000 đồng/bịch 500g (thịt bắp), 55.000 đồng/bịch 550g (thịt đùi), gạo 12.000 đồng/kg (giá thị trường 15.000 đồng/kg)… giá trứng gà, rau xanh, củ quả cũng thấp hơn nhiều so với giá thị trường. 

“Ban đầu, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức được 30-35 chuyến bán hàng lưu động mỗi ngày nhưng hiện đến 35% nhân viên, bao gồm người lái xe đang ở trong các khu phong toả, mỗi sáng đều có thêm nhân viên báo cáo không thể ra khỏi nhà nên tuỳ điều kiện thực tế sẽ tổ chức các chuyến xe đưa hàng đến phục vụ bà con” – ông Hân nói.

Hầu hết điểm bán lưu động được tổ chức ở khu vực cư dân đông nên khách hàng luôn phải xếp hàng chờ mua

Ngoài hoạt động bán hàng lưu động cho người dân các khu vực không thuộc khu vực cách ky, hằng ngày Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp để tiếp thêm rau củ, gạo, mì gói… đến các bếp ăn từ thiện trong khu cách ly. “Thông qua hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc… các phường, sáng nay chúng tôi đã chuyển 5 tấn rau củ và gạo đến các bếp ăn này” – ông Hân thông tin.

Theo các doanh nghiệp, ban đầu, việc tổ chức bán hàng lưu động được triển khai theo sự điều phối của Sở Công Thương. Tuy nhiên, thực tế bà con các nơi, đặc biệt là ở những khu chung cư, khu lao động nghèo có nguyện vọng xe bán hàng lưu động sẽ duy trì việc bán hàng ổn định hằng ngày tại địa điểm đó. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ làm việc lại với Sở Công Thương để linh hoạt tổ chức bán hàng theo tình hình thực tế.

Phía AEON Việt Nam cho biết thêm, nhiều người dân có nhu cầu mua hàng với số lượng lớn phục vụ nhu cầu của gia đình với đông thành viên nhưng do khối lượng vận chuyển của từng xe bán hàng lưu động có giới hạn, doanh nghiệp không thể đáp ứng số lượng nhiều mà hướng dẫn mua hàng trên các kênh bán hàng online.

Sở Công Thương TP HCM vẫn đang kêu gọi các doanh nghiệp chung tay tham gia bán hàng lưu động trong giai đoạn khó khăn chung này.

Một số hình ảnh khâu chuẩn bị, bán hàng của các doanh nghiệp


Bài và ảnh: Thanh Nhân

Chia sẻ