Dịch bệnh tiếp tục kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa ra thị trường. Từ đầu năm đến nay, đi qua 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, phân phối đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động.

Tái kích hoạt cơ chế phòng dịch

Việc phát hiện 4 ca dương tính mới Covid-19 tại TP HCM trong những ngày gần đây đã đặt các DN vào trạng thái kích hoạt cơ chế ứng phó với dịch trong điều kiện mới. Ở lĩnh vực bán lẻ, các DN bán lẻ đã tăng cường nguồn hàng dự trữ trên toàn hệ thống; có phương án vận chuyển về vùng dịch kịp thời; giải cứu những mặt hàng nông sản tồn đọng đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm soát an toàn phòng dịch tại trụ sở làm việc, địa điểm kinh doanh.

Riêng Saigon Co.op, trong tình hình doanh thu bán hàng và các nguồn thu quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề, Saigon Co.op vẫn nỗ lực hết sức để phục vụ nhu cầu của người dân, tích cực tham gia hỗ trợ công tác phòng dịch của các địa phương. Đặc biệt, càng trong hoàn cảnh khó khăn, HTX bán lẻ hàng đầu Việt Nam càng tập trung quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt.

Các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra bắt đầu bước vào mùa mua sắm cuối năm

Đại diện Saigon Co.op khẳng định dù có dịch bệnh hay không thì hàng Việt vẫn là ưu tiên tiêu thụ hàng đầu tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. “Đại dịch là thử thách chung rất lớn nhưng ở khía cạnh nào đó lại là một cơ hội để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước” – vị đại diện này nhận định và cho biết để đẩy mạnh hàng Việt đến rộng rãi hơn người tiêu dùng trong nước, thời gian qua, Saigon Co.op đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ bán hàng và tuyên truyền từ khách hàng đến đối tác và cả nội bộ. Cụ thể, áp dụng khuyến mãi rầm rộ, liên tục và hoàn toàn ưu tiên cho hàng Việt; tăng diện tích quầy kệ cho hàng Việt tại toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại của Saigon Co.op. Cùng với đó là tăng số lượng mặt hàng hơn 50% hàng Việt trên kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op và ứng dụng Saigon Co.op; giảm giá thuê tối đa cho các gian hàng kinh doanh hàng Việt trong khu tự doanh tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước. Không những vậy, trong chính sách mua hàng đầu vào của Saigon Co.op luôn ưu tiên cho hàng Việt, ưu tiên giải ngân nhanh công nợ cho các nhà cung cấp Việt; ứng vốn cho các mặt hàng Việt mang tính thời vụ, cấp bách (nông sản, gel rửa tay, găng tay y tế, khẩu trang y tế, khẩu trang vải sát khuẩn…).

Tết là cơ hội để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước

Ưu tiên hàng Việt trong gian hàng Tết

Với mong muốn góp sức mình để quảng bá, tiêu thụ hàng Việt đồng thời đưa hàng Việt lên vị thế mới chắc chắn hơn trong lòng người tiêu dùng, Saigon Co.op đã lên kế hoạch chặt chẽ để gia tăng tỉ lệ hàng Việt trong gian hàng Tết. Đến nay, mọi sự chuẩn bị đã gần như hoàn tất. Nhà bán lẻ đã chuẩn bị gần 5.000 tỉ đồng hàng hóa cho 2 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó gần 40% nguồn vốn dành cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường (gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản); 60% còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm khác.

Hệ thống điểm bán cũng được liên tục mở rộng để tạo sự thuận tiện cho khách hàng mua sắm đồng thời đưa hàng Việt từ khắp mọi miền đến với người tiêu dùng gần hơn. Có tổng cộng 41 điểm bán mới sẽ được khai trương đi vào hoạt động trong những ngày giáp Tết, bao gồm cả cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile và siêu thị cao cấp Finelife. Dự kiến, khoảng gần 200 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, KCN-KCX, biển đảo, chủ yếu là hàng nhu yếu có khuyến mãi Tết.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay từ khi dịch Covid-19 diễn ra thì thói quen tiêu dùng, định mức tiêu dùng đã thay đổi so với trước, dự đoán thị trường Tết năm nay sẽ gặp một chút khó khăn do khách hàng cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên chi tiêu cho hàng thiết yếu không giảm. Vì vậy, để “chia lửa” với khách hàng đồng thời đẩy mạnh kích cầu cuối năm, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá trong 3 tháng trước, trong và sau Tết; thiết kế giảm giá sớm và khoa học để giảm áp lực mua sắm cho người dân, những ngày cận Tết chỉ cần mua các loại thực phẩm tươi sống hoặc đặt mua các món chế biến sẵn ở siêu thị, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. “Hệ thống sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn hàng ngàn sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa. Các hoạt động khuyến mãi cũng bao gồm tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng… Hệ thống siêu thị cũng chuẩn bị lượng hàng hóa có giá khuyến mãi cho khoảng 1,2 triệu giỏ quà Tết gói theo yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp” – ông Đức cho biết và nói thêm đây là chương trình khuyến mãi Tết đặc biệt nhất từ trước đến nay của Saigon Co.op. Trong đó, có những mặt hàng giảm giá “siêu bất ngờ” chỉ có tại Co.opmart, Co.opXtra, Finelife.

Saigon Co.op triển khai phục vụ Tết bằng nhiều phương án khác nhau bao gồm cả bán hàng không qua cửa hàng để cung cấp các mặt hàng thiết yếu và chuẩn bị các hoạt động tại các siêu thị chu đáo cho bà con có kế hoạch mua sắm trong 8 tuần trước Tết”.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op

Triển khai nhiều phương án phục vụ Tết

Ông Nguyễn Anh Đức cho hay năm nay, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngay từ tháng 6, Saigon Co.op đã phối hợp cùng các đối tác để chuẩn bị kế hoạch dài hơi cho Tết 2021, bao gồm các kịch bản ứng phó trường hợp dịch bùng phát trở lại. Tập thể ban lãnh đạo, cán bộ – công nhân viên Saigon Co.op rất tự hào đã được đồng hành, góp sức cùng các đơn vị, cơ quan chức năng hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 mang lại.


Bài và ảnh: Minh Nhi

Chia sẻ