Vốn hoá thị trường BIDV bị “thổi bay” khoảng hơn 30.000 tỷ đồng

Vốn hoá thị trường BIDV bị “thổi bay” khoảng hơn 30.000 tỷ đồng

Theo đó, khép lại phiên giao dịch 28/2, mã BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tạm đứng mức 45.500 đồng, nghĩa là giảm 3,4% so với hôm qua (giảm từ mức 47.100 đồng/cp).

Sau kỳ nghỉ Tế Nguyên đán Canh Tý đến nay (30/1-28/2), cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giảm khoảng 14%, giảm từ 52.700 đồng/cp xuống còn 45.500 đồng/cp. Tức là giảm khoảng 7.200 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, với hơn 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường BIDV bị “thổi bay” khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu BIDV giảm liên tục.

Báo cáo tài chính cho thấy đến 31/12/2019, tổng tài sản BIDV đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2018, là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.876 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.664 tỷ đồng, tăng khoảng 15,8%.

Thời gian gần đây, BIDV bán hàng loạt tài sản đảm bảo thu hồi nợ. Gấp rút phát mại các tài sản như 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), Tòa nhà Dầu khí giữa PVIT và PVFC Thanh Hóa… Trong đó, lớn nhất là khoản nợ gần 1.300 tỷ của Vinaxuki. Theo BIDV, tính đến 15/9/2019, quy mô khoản nợ này là hơn 1.265 tỷ đồng.

Thêm vào đó, ‘quán quân’ về nợ xấu nội bảng cũng phải kể đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) với mức tăng 3,45% lên tới 19.451 tỷ đồng, tức tăng thêm 649 tỷ đồng so với năm 2018.

Con số nợ xấu nội bảng của BIDV gần gấp đôi Vietinbank và gấp 3 lần Vietcombank. Tuy nhiên, so với mức tăng mạnh hơn với gần 13% của dư nợ cho vay (đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng), đã giúp kéo tỷ lệ nợ xấu của BIDV từ 1,9% đầu kỳ xuống 1,74%.

Điều đáng ngại nhất ở BIDV chính là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 – Nhóm nợ nguy hiểm) kỳ này tăng đột biến 56% so với đầu kỳ và chiếm tới gần 58% so với tổng nợ xấu nội bảng, lên tới 11.209 tỷ đồng; trong khi đó nợ nhóm 3 và 4 đều giảm 29%.

Đáng chú ý, tính đến cuối 2019, tổng nợ xấu của BIDV ở mức 19.452 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 11.209 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cùng giảm 29%, lần lượt là 3.849 tỷ đồng và 4.392 tỷ đồng.

Vì sao cổ phiếu BID bị ảnh hưởng?

Cổ phiếu BID bị ảnh hưởng phần nào bởi thông tin Ngân hàng BIDV thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên.

Được biết, giá khởi điểm rao bán bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là hơn 1.265 tỉ đồng.

Trong đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là 138.814,7m2; Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B – KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Trước đó, Ngân hàng này cũng thông báo bán 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) tại 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.Hồ Chí Minh – đây là tài sản bảo đảm của CTCP Đức Khải.

Ngày 18/2, BIDV cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ gần 56 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) với giá khởi điểm bằng với giá trị khoản nợ. Tài sản thế chấp cho khoản vay này là dự án tòa nhà Dầu khí giữa PVIT và PVFC Thanh Hóa (Nay là PVCombank) bao gồm 8 tầng văn phòng cho thuê (từ tầng 15-22), diện tích sử dụng mỗi tầng khoản 733 m2.

Trong 2020, BIDV dự tính phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ. Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành gần 282 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm hơn 251 triệu cổ phiếu mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Với phương thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, BIDV sẽ thực hiện quyền theo tỷ lệ 7%/số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu phát hành thêm.

Về việc chào bán thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, BIDV dự kiến tỷ lệ phát hành là 6,25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Ngân hàng cho biết, dự kiến 5.329 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm sẽ bổ sung vốn kinh doanh trong hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao chất lượng mạng lưới kinh doanh.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ