Hãng hàng không Vietjet vừa có công văn giải trình biến động kết quả hoạt động kinh doanh trong quý IV/2022 gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Trong năm 2022, Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với năm 2019 – trước COVID-19 và là nhân tố chủ chốt dẫn dắt sự phục hồi. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực và dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2023.

Theo Vietjet, kết quả năm 2022 cho thấy ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19. Quý IV/2022, hãng ghi nhận doanh thu thuần 7.352 tỉ đồng (công ty mẹ), tăng 175% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt 902 tỉ đồng. Tính cả năm 2022, doanh thu công ty mẹ đạt 32.506 tỉ đồng và lợi nhuận chỉ đạt 215 tỉ đồng.

Thị trường hàng không nội địa và quốc tế đang phục hồi nhanh

Dù vậy, lợi nhuận hợp nhất của hãng hàng không này âm 2.171 tỉ đồng, theo Vietjet giải thích do hãng đã chuyển lợi nhuận trên 3.559 tỉ đồng về công ty mẹ để tăng cường đầu tư tài sản mua mới 1 máy bay A321 NEO từ Airbus và 2 máy bay A321 từ đối tác cho thuê máy bay là Lessor…

Năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu nhờ vào việc mở cửa của thị trường Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…

“Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu là rất cần thiết nhằm giúp tăng cường nội lực và cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế tới điểm đến ở Việt Nam dự kiến tăng mạnh trong năm nay” – Vietjet kiến nghị.

Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng nhận định bắt đầu từ quý IV/2022, thị trường quốc tế sẽ từng bước phục hồi, hoạt động kinh doanh của tổng công ty đã có kết quả tích cực hơn vào năm 2023. Hiện Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, tổng công ty cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất…

Trước đó, một số hãng hàng không cũng từng đề xuất bỏ trần giá vé máy bay trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng cao. Chẳng hạn như năm 2022, các hãng hàng không từng gặp khó khi giá nhiên liệu nhiều thời điểm ở mức 130 USD/thùng.


Thái Phương. Ảnh: Lam Giang