Vì sao chủ đầu tư DA Nam Đàn Plaze nhiều năm ‘ôm’ gần 10.000m2 nhưng không triển khai?

Dự án Nam Đàn Plaza (nằm trên lô E2.1 ngay mặt đường Phạm Hùng, gần tòa nhà Keangnam thuộc Phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng bị các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội đề nghị kiểm tra, thanh tra và xem xét thu hồi vì “ôm” gần 10.000m2 đất ở vị trí đắc địa nhiều năm không triển khai.

Theo tìm hiểu, ngày 18/10/2002, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi 9.584m2 đất tại ô đất ký hiệu E1.2 và giao cho Công ty TNHH dịch vụ xuyên Thái Bình Dương (sau này là Công ty Cổ phần địa ốc dầu khí viễn thông) thuê trong thời hạn 30 năm để xây dựng Trung tâm tang lễ.

Theo giới thiệu và công bố trên các phương tiện truyền thông, ngày 24/11/2009, dự án lại được UBND TP chấp thuận chủ trương cho xây dựng Tổ hợp Nam Đàn Plaza với chức năng làm văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại, khách sạn, kết hợp căn hộ để ở.

Thế nhưng, dự án đã không được triển khai theo kế hoạch bởi lý do thời điểm đó, cổ đông lớn của dự án đã bị các cơ quan chức năng điều tra.

Từ mục đích xây dựng nhà tang lễ, sau đó chuyển sang tổ hợp khách sạn 5 sao hoành tráng nhưng sau hàng chục năm, dự án Nam Đàn Plaza vẫn chỉ là bãi đất trống. Nguồn: Báo Đấu thầu

Đến năm 2006, sau khi được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty TNHH dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ xây dựng Trung tâm Tang lễ sang xây dựng khách sạn tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, văn phòng mang tên dự án Nam Đàn Plaza.

Năm 2010, thông qua môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Công ty CP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương đã thống nhất ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Ngân Lê Hòa Bình, tương ứng với toàn bộ diện tích tại dự án Nam Đàn Plaza.

Sau đó ông Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho 5 cổ đông sáng lập Công ty CP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương, trong đó Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam – PVP Land nắm giữ 50,5% cổ phần. Giá chuyển nhượng thực tế của dự án Nam Đàn Plaza là 52 triệu/m2. Tuy nhiên, không giống với những cổ đông sáng lập khác của Công ty Xuyên Thái Bình Dương, cổ phần của PVP Land đã bị “phù phép” từ 52 triệu đồng/m2 xuống còn 34 triệu đồng/m2.

PVP Land do Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC kiểm soát, vậy nên để chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, PVP Land phải xin ý kiến PVC.

Ông Trịnh Xuân Thanh khi đó với cương vị Chủ tịch HĐQT PVC đã chỉ đạo cho lãnh đạo PVP Land bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương tương ứng với diện tích của dự án Nam Đàn Plaza với giá thấp hơn giá trị thực tế.

Do đó, chủ đầu tư hiện nay của Nam Đàn Plaza là Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí viễn thông (PVC).

Cũng theo tìm hiểu, thời điểm đầu năm 2012, Tổ hợp Nam Đàn Plaza bất ngờ được khởi công với tên gọi mới là PVT Diamond Tower. Được biết theo giới thiệu, tổ hợp này được thiết kế gồm 2 tòa tháp cao 40 và 44 tầng, với 3 tầng hầm và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II-2015.

Mặc dù kế hoạch triển khai là vậy, song sau thông báo khởi công, dự án không hề được triển khai theo kế hoạch đề ra. Chủ đầu tư trì hoãn không cho triển khai, còn tại dự án bỗng dưng mọc lên nhiều kho xưởng để kinh doanh.

Tại Văn bản báo cáo hiện trạng dự án bỏ hoang của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vào tháng 6/2012, cơ quan này đã kiến nghị UBND thành phố thu hồi hoặc gia hạn Quyết định giao chủ đầu tư thực hiện dự án trên. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải chấm dứt việc sử dụng sai mục đích. Vậy nhưng, sau đó, khu đất vẫn tiếp tục được chủ đầu tư khai thác, sử dụng sai mục đích từ đó cho đến nay.

Thông tin về dự án này, đại diện đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Mỹ Đình 1 cho biết, dự án Nam Đàn Plaza có Giấy phép xây dựng từ năm 2009. Các công trình tồn tại trong dự án là do chủ đầu dựng tạm lên để phục vụ công trình chính. Do có điều chỉnh quy hoạch nên hiện tại dự án dừng lại chưa thực hiện, UBND phường nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng mục đích, quy hoạch nhưng họ không thực hiện.

Đại diện tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Mỹ Đình 1 cũng cho biết, sẽ tổng hợp lại ý kiến của phóng viên và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo phường và sẽ thông tin lại sau.

Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất. “Quy định là vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, vị này nói.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo