Kêu cứu đến Báo Người Lao Động, anh N.H.C (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết cả gia đình anh đang bị “khủng bố” đòi nợ sau khi anh trót vay từ các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến.
Theo đó, có nhiều đối tượng liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống những người thân trong gia đình anh.

“Do cần tiền gấp vì gia đình có người bệnh nên tôi được giới thiệu và truy cập vào website vtvay.com, bên trong có khoảng gần chục app cho vay online khác nhau tên tomhungxanh, app hero, app new, vay double… Vay 10 triệu đồng sẽ trả tổng cộng 15 triệu đồng gồm lãi dịch vụ trong vòng 5 ngày tính từ ngày vay” – anh N.H.C kể.

Phí phạt là 10%/ngày trên tổng số tiền còn nợ nếu người vay không thanh toán đúng hạn

Tính ra, anh N.H.C phải trả 1 triệu đồng tiền lãi/ngày, tương đương lãi suất 10%/ngày, 300%/tháng và tương đương tới 3.600%/năm.

Theo anh C., trên website vtvay.com chỉ có thông tin giới thiệu về app vay tiền nhanh chóng với hạn mức cao nhất 10 triệu đồng, không có thông tin giới thiệu app này của công ty nào, nguồn gốc từ đâu, ai là chủ của app… Người vay có nhu cầu sẽ nhập số điện thoại và mã xác minh được gửi tới để bắt đầu các bước đăng ký vay. Các đối tượng cho vay chỉ liên hệ với người vay qua tin nhắn Zalo và cung cấp số tài khoản ngân hàng để người vay chuyển tiền.

Theo giới thiệu trên website này, hạn mức vay từ 2 – 10 triệu đồng, lãi suất 1,6%/tháng, cao nhất 19,2%/năm. Tuy nhiên, thông tin mà anh N.H.C cung cấp, ngoài mức lãi suất lên tới 10%/ngày, trong những tin nhắn đòi nợ được gửi đến, nhân viên của các app nêu rõ “quá hạn phạt 10% một ngày” trên tổng số dư nợ còn lại.

Người vay tiền qua app online sẽ phải cung cấp danh bạ điện thoại, tin nhắn và cả chia sẻ định vị…

“Mức phí phạt này khiến tôi càng trả càng mắc nợ. Bị đòi nợ gắt gao, thậm chí đe dọa, “khủng bố” cả gia đình, nơi làm việc của người thân. Chưa hết, họ tiếp tục giới thiệu mời tôi vay app khác để trả nợ cũ. Cứ vậy đến giờ, tôi vay khoảng 350 triệu đồng nhưng đã thực trả lên tới 800 triệu đồng mà vẫn chưa hết nợ” – anh N.H.C kể và cho biết đang rất hoảng loạn.

Cũng theo kêu cứu của anh C., nhân viên của các app online đến giờ vẫn liên tục gọi điện “khủng bố” người thân, ảnh hưởng tinh thần và công việc, uy tín của người thân anh. Anh đã báo công an và đang chờ phản hồi.

Đáng chú ý, trong thông báo trên các app cho vay này gửi tới khách hàng, có nêu rõ: “các sản phẩm trong ứng dụng hoạt động độc lập, vay ở đâu trả ở đó, các sản phẩm khác không có quyền hỗ trợ. Cấp quyền chia sẻ định vị, cấp quyền truy cập danh sách, cấp quyền đọc tin nhắn, bắt buộc bấm vào (đồng ý)… nếu muốn được giải ngân”. Như vậy, khi khách hàng đồng ý vay, hiển nhiên toàn bộ thông tin danh bạ, tin nhắn của người thân cũng sẽ phải cung cấp, khiến người thân bị đòi nợ “khủng bố”.

Đây không phải trường hợp cá biệt, thời gian qua, rất nhiều người dính vào app cho vay online và bị đòi nợ “khủng bố”, “lãi mẹ đẻ lãi con”, phải bán nhà, nghỉ việc hoặc bỏ xứ để trốn nợ.

Bên cạnh việc cảnh báo, khuyến cáo hạn chế vay tiền qua các app online, các chuyên gia kinh tế đề xuất cơ quan quản lý có thể công bố danh sách app thuộc những công ty được cấp phép hợp pháp. Đây có thể là giải pháp tạm thời trong lúc chờ khung pháp lý và chế tài cụ thể đối với các app cho vay online.


Thái Phương