Nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng thì doanh thu toàn PVN giảm 19% so với kế hoạch năm, đạt 520.000 tỉ đồng (so với kế hoạch là 640.900 tỉ đồng). Kéo theo đó là nộp ngân sách nhà nước giảm 38,4% so kế hoạch năm, đạt 50.600 tỉ đồng.

Theo đại diện Vụ Dầu khí và Than, trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu PVN giảm 4.600 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1.000 tỉ đồng so với kế hoạch. Từ những tác động này, Bộ Công Thương đã yêu cầu ngành dầu khí soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, bảo đảm lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư.

Trong bối cảnh chịu tác động kép, ông Nguyễn Việt Sơn cho rằng cần nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu các loại sản phẩm của PVN, nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác. Việc xây dựng ngay các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể trong toàn ngành dầu khí là rất quan trọng trong thời điểm này.

Về phía PVN, đại diện tập đoàn này cho rằng khi giá dầu thấp, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý, mang lại nhiều cơ hội. Tuy nhiên, thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này, hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, nhưng chỉ phục vụ cho sản xuất của nhà máy là chính.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu xăng dầu, trước đó, PVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương hạn chế hay cấm nhập khẩu xăng dầu do các nhà máy lọc dầu trong nước đang tồn kho lớn, gặp nhiều khó khăn, thua lỗ. Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, DN sản xuất, DN kinh doanh xăng dầu và của người dân. Các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Do đó, Bộ Công Thương chưa đề cập việc hạn chế hay cấm nhập khẩu xăng dầu như đề xuất của PVN.

Đối với các DN đầu mối xăng dầu, Bộ Công Thương lưu ý phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các DN bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.


M.Chiến