Ngày 8-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group (TP HCM), cho biết công ty ông đang phải dừng hoạt động truyền thông về gạo ST25 ngon nhất thế giới tại Mỹ sau khi kết quả hạng nhì được công bố vào sáng 4-12. 

“Khi đem gạo ST25 đã đạt giải ngon nhất thế giới năm 2019 đi thi năm 2020, trừ khi tiếp tục đạt hạng nhất, những kết quả khác đều không tốt cho hoạt động truyền thông thương hiệu gạo Việt Nam. Trong khi đó, nếu năm nay gạo ST25 của Việt Nam không tham gia cuộc thi thì doanh nghiệp vẫn có thể nói tiếp câu chuyện về gạo ngon nhất thế giới để thu hút người tiêu dùng” – ông Tùng nêu quan điểm.

Người tiêu dùng chọn mua gạo ST25 tại TP HCM

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, trước nay tại thị trường Mỹ, gạo Việt Nam chủ yếu ở phân khúc dùng cho chế biến bún, bánh hoặc làm cơm chiên còn cơm ăn hằng ngày thì gạo Thái Lan chiếm ưu thế. “Sau khi gạo ST25 đạt giải ngon nhất thế giới 2019, chúng tôi bắt đầu làm truyền thông, tặng gạo cho người tiêu dùng Mỹ ăn thử, họ thấy ngon thì mới quay lại mua. Khi bắt đầu bán hàng được thì gạo ST25 lại thua gạo Thái. Thời gian tới, chắc chắn gạo Thái Lan sẽ lấy lại ưu thế” – ông Tùng lo ngại.

Doanh nghiệp Việt tặng gạo ST25 cho cộng đồng người Việt tại Mỹ – Ảnh cắt từ clip

Một chuyên gia về truyền thông mới đây cũng có bài viết rất gay gắt về vấn đề này trên Facebook cá nhân và cho rằng giải nhì gạo ST25 năm nay sẽ gây thiệt hại cho thương mại và sản xuất gạo.

Trong khi đó, trên nhóm cho gần 16.000 thành viên về ngành gạo cũng đang có nhiều ý kiến tranh cãi về giải nhì của gạo ST25 năm nay. Ngoài những ý kiến chỉ trích cũng có nhiều ý kiến cho rằng Thái Lan cũng nhiều lần gửi mẫu gạo từng đạt giải nhất thế giới đi thi chứ không riêng gì Việt Nam và thực tế họ đã có nhiều lần giành giải nhất. 

Theo thông cáo báo chí chính thức của The Rice Trader – ban tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2020”, cuộc thi năm nay là “một cuộc đua khốc liệt và 3 mẫu gạo dẫn đầu đến từ: Campuchia (Jasmine), Việt Nam (Thơm) và Thái Lan (Hom Mali). Sau đó, 2 mẫu gạo của Thái Lan và Việt Nam lọt vào chung kết. Cuối cùng, gạo Hom Mali của Thái Lan đạt giải cao nhất, còn gạo thơm ST25 của Việt Nam đạt giải nhì. 

Đây là lần thứ 6, Thái Lan giành giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” (World’s Best Rice) trong 12 lần The Rice Trader tổ chức.

Theo nhận xét của đầu bếp Paul Scroeder, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, gạo của Campuchia trông đẹp và được đánh bóng tốt nhất. Gạo Việt Nam rất ấn tượng và đã  giành chiến thắng năm ngoái. Còn gạo Thái Lan với sự kết hợp của hương thơm, kết cấu và hương vị tạo nên sự chiến thắng trong năm nay.

Theo chia sẻ của đại diện The Rice Trader, cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” nhận mẫu dự thi không chỉ của đại diện từng quốc gia mà các tổ chức, cá nhân cũng có thể gửi mẫu dự thi nhưng thành tích được xếp cho quốc gia.

Mẫu cơm gạo ST25 tham gia cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2020

Những năm trước đây, nhiều tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đã gửi mẫu gạo dự thi cuộc thi này. Kết quả, gạo Lộc trời số 1 (tên cũ là AGPPS 103) đã giành giải 3 vào năm 2015, gạo ST24 đạt giải 3 năm 2017.

Năm 2019, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lần đầu tổ chức cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” để tìm gạo ngon nhất để tham dự cuộc thi này. Kết quả, gạo ST25 chỉ được giải 3 Việt Nam nhưng đã giành giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Năm 2020, gạo ST25 đã giành giải gạo ngon nhất Việt Nam nhưng khi mang dự thi “Gạo ngon nhất thế giới” chỉ đạt giải nhì.

Trong lịch sử cuộc thi này, Thái Lan là nước dẫn đầu với 6 lần đạt giải nhất, Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần, Myanmar và Việt Nam mỗi nước 1 lần (có những năm hai quốc gia đồng giải gạo ngon nhất dựa vào số điểm được ban giám khảo chấm). Gạo Thái Lan thắng giải năm nay là Hom Mali 105 thời gian sinh trưởng từ 125-130 ngày trong khi ST25 là là gạo cao sản, sinh trường 95-105 ngày.


Bài, ảnh: Ngọc Ánh

Chia sẻ