Với chiến lược “mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”, đến nay, khoảng 50% địa phương ở TP HCM đã công bố sản phẩm du lịch với những di tích lịch sử cả trăm năm, nhiều điểm đến lần đầu được khai thác, các sản phẩm trải nghiệm… Nhiều người trong nghề quả quyết “phải đi nhiều ngày mới khám phá hết các tour, tuyến, sản phẩm du lịch ở TP HCM”.

Thú vị, độc đáo

Chỉ vài tháng qua, nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức đã lần lượt giới thiệu hàng loạt sản phẩm, tour, tuyến mới sau khi Sở Du lịch TP HCM phối hợp cùng chính quyền địa phương và doanh nghiệp khảo sát, xây dựng, hoàn thiện sản phẩm du lịch.

Hai quận vừa nhập cuộc công bố sản phẩm du lịch mới là Tân Bình và Gò Vấp, với những địa danh, di tích hàng trăm năm tuổi gây bất ngờ với du khách và cả người trong ngành. Chẳng hạn, tour “Gò Vấp – Trăm năm tìm lại dấu xưa” do UBND quận Gò Vấp phối hợp cùng Công ty TSTtourist hay tour “Tân Bình – Biết bao điều thú vị” do UBND quận Tân Bình phối hợp cùng Công ty Chim Cánh Cụt giới thiệu, đã nối dài loạt sản phẩm du lịch mới tiếp theo sau các quận, huyện 1, 5, 7, 11, 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ…

Với tour khám phá quận Gò Vấp hay quận Tân Bình, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi. Trong đó, Phù Châu Miếu – ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên sông Vàm Thuật – là di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng. Phù Châu Miếu là một trong những địa điểm hành hương quen thuộc của người dân Sài Gòn – Gia Định trước đây, đến nay vẫn giữ được kiến trúc cổ kính mang đậm nét văn hóa Việt – Hoa với mái ngói âm dương tráng men xanh ngọc, bên trong trang trí bằng nghệ thuật khảm gốm, cẩn sứ hình rồng, phượng…

Bên cạnh đó, đình Thông Tây Hội là ngôi đình cổ nhất vùng Gia Định xưa đến nay vẫn tồn tại. Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, bao gồm các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ.

Ngoài ra, khi khám phá Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Miền Đông Nam Bộ, du khách bất ngờ với phòng trưng bày đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Một phòng khác mô phỏng địa đạo Củ Chi, giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trước đây…

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông – marketing Công ty TSTtourist, Gò Vấp là một trong những nơi còn lưu lại nhiều công trình mang dấu ấn, có tuổi đời trên 1 thế kỷ, gắn liền với chiều dài lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TP HCM. Dựa vào trục thời gian của những điểm đến này, TSTtourist đã xây dựng tour hấp dẫn để du khách có thể trải nghiệm, tham quan. “TP HCM không còn là nơi cung cấp nguồn khách cho các địa phương mà đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách” – ông Mẫn khẳng định.

Thực tế, Gò Vấp có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, gắn bó với Sài Gòn – Gia Định – TP HCM nhưng không phải người dân và du khách nào cũng biết đến. Vì vậy, bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho hay quận đang tập trung phối hợp cùng các công ty lữ hành để hoàn thiện sản phẩm du lịch mới, quảng bá rộng rãi đến du khách.

Với quận Tân Bình, Bí thư Quận ủy Lê Hoàng Hà cho rằng lợi thế đặc thù là gần sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy, Tân Bình đã cùng các quận lân cận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú… hình thành không gian du lịch chung, kết nối những điểm đến để thu hút thêm nhiều du khách. Tân Bình còn có Công viên Hoàng Văn Thụ nằm ngay cửa ngõ TP HCM…

“Chúng tôi đã tập trung nhiều giải pháp, thiết kế nhiều sản phẩm du lịch mới như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp chơi golf và thưởng thức ẩm thực chay… Du khách sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu về những nét độc đáo trong văn hóa, sinh hoạt của người dân Tân Bình” – ông Hà kỳ vọng.

Đoàn khảo sát sản phẩm du lịch do bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, dẫn đầu tham quan một số điểm đến ở huyện Hóc Môn mới đây

Hấp dẫn, mới lạ

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động du lịch lại trở nên sống động, hấp dẫn như hiện nay, dù ngành du lịch vừa mới trỗi dậy sau đợt “ngủ đông” vì dịch Covid-19. Hàng loạt sản phẩm được khảo sát, công bố sau khi ngành du lịch vạch ra lộ trình trong kế hoạch mở cửa, phục hồi theo chương trình “TP HCM chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” và kế hoạch “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định du lịch thành phố còn rất nhiều điều hấp dẫn. Nếu quảng bá đồng bộ, phát triển sản phẩm tour, tuyến bài bản hơn sẽ giúp TP HCM luôn mới lạ với du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GRDP của TP HCM trong giai đoạn trước dịch Covid-19. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên khi du lịch được tập trung phục hồi sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành nghề khác. Trong khi đó, tài nguyên du lịch chỉ mãi là tài nguyên nếu như không được đầu tư, khai thác, trùng tu, quản lý và kết nối thành các tour, tuyến, sản phẩm.

Sở Du lịch TP HCM cho biết 366 tài nguyên du lịch trên địa bàn đã được công bố trong giai đoạn phục hồi du lịch. Theo thống kê, thành phố hiện có hơn 30 chương trình, sản phẩm nội đô được các doanh nghiệp đưa vào khai thác kích cầu du lịch; gần 20 chương trình mới đang khảo sát; hàng chục điểm tham quan, sản phẩm về đêm đang được ngành du lịch và các sở – ngành liên quan tập trung đầu tư, tôn tạo, hoàn chỉnh đề án để xây dựng kết nối tour, tuyến.

Sau loạt sản phẩm đã được giới thiệu, đưa vào khai thác và ghi dấu ấn đối với du khách, ngành du lịch TP HCM tiếp tục lên kế hoạch xây dựng các sản phẩm gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền” trên địa bàn các quận 1, 5, 6, 8. Từ điểm trung chuyển, TP HCM đang dần trở thành điểm “phải đến” của du khách trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết các sản phẩm mới của thành phố sẽ được giới thiệu đến du khách dịp lễ 2-9. Không chỉ thế, ngành du lịch thành phố còn kỳ vọng những sản phẩm này sẽ trở nên hấp dẫn để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước.

Theo bà Phan Thị Thắng, tiềm năng của từng quận, huyện rất phong phú nhưng chưa có giải pháp khơi gợi đúng mức. Bản thân các quận, huyện cũng chưa nghĩ mình có trong tay những tài nguyên quý giá.

“Do vậy, TP HCM đã phát động chương trình phục hồi du lịch, qua đó phục hồi các hoạt động liên quan vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Đến nay, lãnh đạo các quận, huyện đều rất quan tâm và đã có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng được công bố. Nếu được chăm chút hơn nữa, những sản phẩm này sẽ phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phục hồi của du lịch và kinh tế TP HCM” – Phó Chủ tịch UBND TP HCM tin tưởng.

Báo cáo kinh tế – xã hội của UBND TP HCM tháng 8-2022 cho thấy tổng doanh thu lĩnh vực du lịch ước đạt hơn 14.000 tỉ đồng, tăng tới 2.567% so với cùng kỳ năm 2021 – năm thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Tám tháng qua, TP HCM đã đón hơn 16,7 triệu lượt khách trong nước và khoảng 1,38 triệu lượt khách quốc tế. Những con số tích cực về thu hút du khách đến TP HCM cho thấy chiến lược làm mới sản phẩm du lịch của ngành ngày càng hiệu quả.

Phối hợp với hàng loạt địa phương

TP HCM đang triển khai các nội dung quan trọng của Đề án Du lịch thông minh, như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tích hợp thông tin dịch vụ du lịch thành phố, tập trung nâng cấp địa đạo Phú Thọ Hòa… Ngành du lịch thành phố cũng liên tục tổ chức đón đoàn du khách MICE từ Ấn Độ, Nam Phi; tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức chương trình thu hút du khách và sẵn sàng cho Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM năm 2022…

Thời gian qua, TP HCM còn chú trọng phối hợp với hàng loạt địa phương, vùng miền trong cả nước và nước ngoài để liên kết, phát triển và nâng tầm du lịch. Hàng loạt chuỗi liên kết đã được UBND TP HCM đề xuất, thực hiện nhằm kết nối du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ với TP Hà Nội và TP HCM; liên kết với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung… nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương.

Đến nay, TP HCM đã ký kết với 52 tỉnh, thành và 7 cụm trên cả nước về liên kết, phát triển du lịch. Hoạt động liên kết cũng tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần kích cầu thị trường; từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.


Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG