Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết ngày 23-8, sở đã nỗ lực cấp 80.000 giấy đi đường cho các hệ thống phân phối và các đối tượng liên quan, trong đó có cả gas, logistic, shipper… Tuy nhiên, do lượng hồ sơ đăng ký rất lớn, sở nhận thấy không thể giải quyết cấp giấy đi đường kịp thời cho tất cả các loại hình này nên đã báo cáo, kiến nghị UBND TP HCM.  

Ngay sau đó, UBND TP HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy đi đường cho các loại hình gas, xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất, kể cả doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn… 

Sở Công Thương TP HCM chỉ cấp giấy đi đường cho người lao động thuộc 3 loại hình: các hệ thống phân phối, doanh nghiệp có đơn hàng xuất nhập khẩu và đội ngũ lao động của cơ quan điện lực. 

Tuy nhiên, theo quy định mới, từ ngày 25-8, tất cả giấy đi đường phải do cơ quan Công an TP  HCM cấp. “Sở Công Thương phải cấp lại các giấy này theo phom mẫu của cơ quan công an, do đó phải giải quyết hồ sơ lại từ đầu. Tổng cộng, sở nhận được khoảng 100.000 hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường của doanh nghiệp gửi về nhưng chỉ nhận được 40.000 phom mẫu của cơ quan Công an TP nên buộc phải cân nhắc, cắt giảm khoảng 60.000 hồ sơ” – đại diện Sở Công Thương cho hay.

Mẫu giấy đi đường do cơ quan công an TP HCM cấp

Theo phân tích của Sở Công Thương TPHCM, đối với các đơn vị phân phối bán lẻ đang cung ứng hàng hoá cho người dân TP, chỉ có thể cắt giảm tối đa 10% số hồ sơ vì nếu cắt thêm thì siêu thị, cửa hàng sẽ không đủ nhân sự để vận hành hoạt động. Các doanh nghiệp có các loại hàng hoá cần phải xuất nhập khẩu ngay, tàu đã cập cảng…, sở cũng phải ưu tiên giải quyết. 

“Do đó, đối với logistics, tổng cộng Sở Công Thương nhận được hơn 4.100 hồ sơ. Trong ngày 25-8, sở đã xử lý cấp giấy đi đường cho 831 hồ sơ và buộc phải từ chối 352 hồ sơ. Tới đây, sở phải tiếp tục nỗ lực giải quyết các hồ sơ còn lại cũng như phải có văn bản giải trình, kiến nghị cơ quan công an cấp thêm các phom mẫu để giải quyết cho doanh nghiệp” – đại diện Sở Công Thương thông tin. 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số doanh nghiệp phân phối tại TP HCM cho biết trong ngày đầu thực hiện việc di chuyển bằng theo giấy đi đường của cơ quan công an cấp, người lao động chưa kịp nhận giấy mới (theo phom mẫu của cơ quan công an) vẫn có thể sử dụng giấy đi đường do Sở Công Thương cấp trước đó hoặc thẻ nhân viên do doanh nghiệp cấp. Vì vậy, các doanh nghiệp không gặp khó khăn về mặt nhân sự làm việc tại các siêu thị/cửa hàng. 

Dù vậy, hệ thống Vinmart, Vinmart+ phản ảnh vẫn còn tình trạng các xe tải chở hàng hóa, thực phẩm thiết yếu của hệ thống không qua được một số chốt kiểm soát tại các phường, quận trong TP HCM. Nhiều xe chở hàng phải quay đầu về kho, dẫn tới việc bổ sung hàng hóa thực phẩm cho các siêu thị cửa hàng gặp khó khăn, xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ. 

“Chúng tôi đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vướng mắc này để VinMart/VinMart+ kịp thời cung ứng hàng hóa tới siêu thị và cửa hàng, để người dân an tâm mua sắm đầy đủ hàng hóa trong thời gian tăng cường giãn cách” – đại diện Vinmart nhấn mạnh.


Thanh Nhân

Chia sẻ