Ngày 15-7, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH).

Ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – cho biết Chỉ thị số 40 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với TDCSXH, qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thực tiễn cho thấy việc thực hiện tốt chương trình TDCSXH theo tinh thần Chỉ thị 40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. “Triển khai tín dụng chính sách một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay được xem là một trong các giải pháp cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn việc làm, ổn định cuộc sống” – ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (giữa) và các đại biểu tham quan khu trưng bày hình ảnh sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 Ảnh: MINH PHONG

Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết trong 5 năm qua, vốn TDCSXH đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỉ đồng, tăng hơn 91.000 tỉ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 31,3%, gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40. Huy động vốn của xã hội đạt hơn 31.500 tỉ đồng, tăng hơn 25.000 tỉ đồng so với cuối năm 2014.

Ngoài ra, tổng số vốn tín dụng đã giải ngân đạt 336.944 tỉ đồng với hơn 12 triệu lượt hộ được vay vốn, hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững nhờ nguồn vốn này. Đồng thời đã xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, đã có gần 346.000 lượt học sinh – sinh viên được vay tín dụng học tập, hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn chính sách để tạo công ăn việc làm, 24.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.

Là địa phương còn khó khăn với 19.077 hộ nghèo, trong quá trình triển khai Chỉ thị 40, tỉnh Đồng Tháp đã có những cách riêng để phát huy hiệu quả. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết tỉnh không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40 như một số tỉnh mà lồng ghép vào nội dung của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, tỉnh Đồng Tháp đều dành một phần ngân sách, ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Trong 5 năm qua, ngân sách tỉnh, huyện đã dành 409 tỉ đồng ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tại điểm cầu Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, thông tin tính đến ngày 30-6, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đạt hơn 4.000 tỉ đồng, riêng trong 5 năm qua đã bổ sung gần 3.000 tỉ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị. “Những kết quả trên đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của TP như tỉ lệ hộ nghèo của Hà Nội từ 3,64% năm 2016 giảm còn 0,42% trong năm 2019 và phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo” – bà Hằng khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị 40 đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân, ngày càng đi vào cuộc sống, là đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện các mục tiêu chính trị mà Đảng, nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, góp phần ổn định chính trị – xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Do đó, các ban, bộ, ngành, địa phương phải làm tốt hơn nữa công tác TDCSXH để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế cả trước mắt và lâu dài.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng lưu ý cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội phải gần dân, sát dân, biết được yêu cầu của dân để phục vụ. “Cấp ủy chính quyền các cấp cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ; sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn vốn được giao, ủy thác; không được để xảy ra tham nhũng tiêu cực trong hoạt động TDCSXH; đồng thời góp phần tích cực ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội” – Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh. 

Kiến nghị bổ sung vốn hỗ trợ tạo việc làm

Nhắc đến việc “người nghèo là nghèo cái túi, người giàu là giàu cái đầu”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng TDCSXH phải lồng ghép được nguồn vốn hữu hình và kiến thức vô hình để kích hoạt đối tượng yếu thế trong xã hội, thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti vươn lên thoát nghèo. “Câu chuyện bài học về con cá, cần câu, cách câu và thái độ câu cá là phương thức được tôi chia sẻ tại các hội nghị. Tức là bên cạnh việc hỗ trợ vốn thì người cán bộ cho vay vốn TDCSXH phải giúp người nông dân định hình lại suy nghĩ, kiên trì trong phương án sản xuất. Phải có niềm tin và phải rèn luyện thái độ sống tốt. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay” – ông Lê Minh Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan kiến nghị Quốc hội cân đối ngân sách, bổ sung cho hoạt động TDCSXH, nhằm giải quyết việc làm và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành cần bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần thoát nghèo bền vững.


Minh Chiến

Chia sẻ