Chiều 25-6, tại TP HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngành 6 tháng đầu năm 2022.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas đã báo cáo kết quả xử lý vụ “xuất khẩu điều qua Ý gặp lừa đảo” với kết quả toàn bộ 35 container đã được phán quyết quyền chủ sở hữu thuộc về doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa kết thúc khi còn 30 container của 3 DN đã được các hãng tàu trả lại cho DN đưa về Việt Nam hoặc bán cho khách mới nhưng các hãng tàu đang giữ tiền cọc/bảo lãnh với thời hạn 18 tháng đến 6 năm sẽ gây nhiều thiệt hại tài chính và khó khăn cho DN.

Theo ông Nhựt, 1 container điều có giá trị khoảng 4 tỉ đồng, tiền cọc/bảo lãnh 125%-150% giá trị lô hàng thì DN ít nhất phải chi khoảng 5 tỉ đồng/container, 30 container tương đương khoảng 150 tỉ đồng.

“Vinacas sẽ tiếp tục phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Ý, luật sư của các DN và các DN đôn đốc, thực hiện các thủ tục pháp lý để các Tòa án Dân sự, Tòa Hình sự, Viện Công tố, Cảnh sát kinh tài, Cảnh sát Quân đội Ý tiếp tục ra các phán quyết, quyết định yêu cầu các hãng tàu phải trả lại tiền đặt cọc/bảo lãnh cho các DN Việt Nam” – ông Nhựt nhấn mạnh.

Đồng thời, Vinacas cũng xúc tiến các hoạt động để cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, kể cả trách nhiệm hình sự cũng như chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất mà các DN Việt Nam phải chịu trong vụ việc.

Các doanh nghiệp Việt trong vụ lừa đảo vẫn đang chờ lấy lại tiền cọc từ các hãng tàu – Ảnh minh họa

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas khuyến cáo các DN Việt Nam khi xuất khẩu phải lựa chọn nhà môi giới có uy tín, tránh trường hợp phải làm phiền đến Thủ tướng và rất nhiều cơ quan ban ngành phải vào cuộc hỗ trợ các DN trong vụ việc xuất khẩu điều sang Ý vừa qua.

“Dù vụ việc kết thúc thành công nhưng nhưng hiện nay các DN đang bị chôn vốn rất lớn từ tiền cọc bị treo lại. Với công ty môi giới Kim Hạnh Việt, công an Việt Nam, cảnh sát quốc tế (Interpol) và cảnh sát Mỹ (chủ công ty Kim Hạnh Việt là người quốc tịch Mỹ, gốc Việt – PV) đều đã vào cuộc điều tra, hiện kết quả chưa được công bố. Đây là bài học rất xương máu cho ngành điều, nhiều DN đã bị lừa bởi các nhà môi giới” – ông Công thông tin thêm.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, Giám đốc 1 DN trong vụ lừa xuất khẩu cho hay DN không đặt cọc mà chờ phán quyết của tòa để lấy hàng nên không gặp vấn đề về tiền cọc. Tuy nhiên, DN cũng bị thiệt hại khá lớn do lô hàng bán lại giá rẻ hơn ban đầu (giảm gần 9%) cũng như chi phí lưu kho bãi trong thời gian vụ việc được xử lý.


Tin-ảnh: Ngọc Ánh