Sáng 10-11, Quốc hội (QH) bước sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn kéo dài 2 ngày rưỡi. Hàng loạt câu hỏi về nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL đã được các đại biểu (ĐB) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Hướng đến mục tiêu 300 km đường cao tốc

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng vùng ĐBSCL, cơ sở hạ tầng đứt gãy, yếu kém, rất cần các tuyến cao tốc để tạo động lực cho sự phát triển của vùng. “Xin hỏi bộ trưởng có giải pháp căn cơ gì để cải thiện đột phá hạ tầng cho giao thông ĐBSCL?” – bà Linh chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định mục tiêu đến hết năm 2025, ĐBSCL có khoảng 300 km đường cao tốc là có cơ sở.

Giải trình rõ hơn, Bộ trưởng GTVT cho biết hiện nay vùng ĐBSCL đang có 40 km đường cao tốc TP HCM – Trung Lương. Cuối năm 2020 sẽ thông xe thêm tuyến từ Trung Lương đến Mỹ Thuận dài 54 km. Theo kế hoạch của nhà đầu tư, năm 2021 sẽ thảm nhựa để đưa toàn bộ 54 km này vào sử dụng và có 7 km đường kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2. “Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai cả 4 gói thầu và theo kế hoạch, đến năm 2023, chúng ta sẽ xong cầu Mỹ Thuận 2 và đường kết nối vào cầu, tất cả là 7 km” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Đối với 23 km từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ, trong tháng 12-2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát lệnh khởi công cả 3 gói thầu và hiện đã bố trí đủ vốn. Dự kiến đến năm 2023 từ TP HCM đến Cần Thơ dài khoảng 130 km sẽ chính thức có đường cao tốc.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ GTVT, cuối năm nay Thủ tướng Chính phủ sẽ dự lễ khánh thành đoạn từ Vàm Cống đến Rạch Sỏi dài 51 km. Hiện nay đã thông xe kỹ thuật và toàn bộ nguồn vốn đã bố trí đủ. Đoạn thứ hai là cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống, dài khoảng 26 km. Hai đoạn này cộng lại với nhau khoảng 75 km. “Như vậy, giữa tuyến TP HCM – Cần Thơ và từ Cao Lãnh qua Vàm Cống, Rạch Sỏi cộng lại chúng ta có được khoảng hơn 210 km, sẽ được công bố đường cao tốc. Với toàn bộ 210 km này, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở để tin chắc rằng trong nhiệm kỳ tới sẽ xong” – ông Thể nhấn mạnh.

Phần còn lại, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu và QH cũng đã thảo luận, đó là sẽ thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau vào năm 2025. Và như thế, đoạn từ TP Cần Thơ đến TP Cà Mau dài khoảng 170 km và toàn bộ dự án này sẽ được ưu tiên số 1 trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Ngoài ra, còn một đoạn từ cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) ra An Hữu (Tiền Giang), khoảng 30 km, khi làm xong từ TP HCM đi về Kiên Giang cũng sẽ có nhánh thứ hai về đường cao tốc. “Dự kiến nếu hoàn thành đúng kế hoạch của Chính phủ và QH thì đến năm 2025 có thể có tới 400 km đường cao tốc. Tuy nhiên, chúng tôi dự phòng nhiều rủi ro và đã có báo cáo với QH, là cố gắng đến năm 2025, ít nhất chúng ta có 300 km đường cao tốc ở vùng ĐBSCL” – Bộ trưởng GTVT thông tin trước QH.

Bộ trưởng Bộ GTVT tin tưởng mục tiêu 300 km đường cao tốc cho ĐBSCL vào năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở. Ảnh: NGUYỄN NAM

Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung đầu tư cho ĐBSCL ở mức rất cao. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm cho ĐBSCL 2 tỉ USD trong giai đoạn tới. Cũng trong giai đoạn này, bộ sẽ xây dựng một dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ thông qua ngân sách, khoảng 1,05 tỉ USD, để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho ĐBSCL, một số hồ ở tỉnh An Giang và một số tuyến giao thông quan trọng ở các tỉnh không có đường ven biển.

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhất trí rằng ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, ĐBSCL liên tục bị xâm nhập mặn, năm 2016 thiệt hại nặng nề. Năm nay chúng ta đã chuyển thời vụ kịp thời nên chỉ thiệt hại trên 7% so với năm 2016. Đặc biệt, tăng cường bố trí nguồn lực so với giai đoạn trước, có nhiều giải pháp giải quyết vấn đề giao thông nội vùng và liên vùng. Chúng ta đã triển khai một số công trình quan trọng, quy mô lớn như Cái Lớn – Cái Bé, cống Trà Sư, khánh thành 51 km Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ…

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu và 3 lần sơ kết, đánh giá, chỉ đạo trên tinh thần thuận thiên, tái cơ cấu mạnh mẽ với các biện pháp phi công trình. “Thời gian tới, sẽ bố trí hơn 1 tỉ USD, tương đương 25.000 tỉ đồng, cho khu vực này và giai đoạn tiếp theo tiếp tục đầu tư cho GTVT nội vùng và liên vùng như đường ven biển, đường TP HCM – Vũng Tàu… Với các biện pháp phi công trình và công trình, với sự chỉ đạo quyết liệt, chúng ta giữ ĐBSCL ít bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu” – Thủ tướng phát biểu.

Phát triển 4 trục dọc giao thông ĐBSCL

Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT cũng đang tập trung 4 trục dọc phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL gồm đường Hồ Chí Minh qua Đồng Tháp Mười, Quốc lộ 1 được nâng cấp, tuyến cao tốc TP HCM – Cà Mau và Quốc lộ 60, khởi công cầu Rạch Miễu 2. Bên cạnh đó, phát triển 4 trục ngang là Quốc lộ 62, cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh, đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. “Như vậy, cùng với đường cao tốc, 4 trục dọc và 4 trục ngang sẽ giúp giao thông vùng ĐBSCL được cải thiện” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.


Văn Duẩn – Minh Chiến

Chia sẻ