Phản ánh về tình hình hoạt động trong 4 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều cho biết đang bị động do đối tác mua không dài như trước đây, họ đặt đơn hàng nhỏ, thời gian ngắn trong khi DN cần nhiều thời gian để chuẩn bị nguyên phụ liệu, tổ chức sản xuất.

Ăn đong từng tháng

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cho biết nhiều DN đang thiếu đơn hàng trầm trọng trong khi tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng sụt giảm, DN thậm chí không có kinh phí để làm thị trường. 

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thông tin bình thường những năm trước, đến hết tháng 4, DN đã nhận đơn hàng đến hết quý III nhưng năm nay chỉ mới nhận đơn hàng đến quý III.

Các doanh nghiệp linh hoạt tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua hoạt động kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước .Ảnh: THANH NHÂN

Trong nước, khó khăn của DN phản ánh rõ qua sức cầu thị trường các tháng đầu năm, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ dài ngày 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều DN sản xuất lẫn phân phối đã tăng chi phí cho khuyến mãi, giảm giá nhưng sức mua không đạt kỳ vọng.

  • Doanh nghiệp mong giảm thêm lãi suất

  • Cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng

  • “Tổ công tác đặc biệt” hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – chỉ ra một xu hướng là thị phần kênh phân phối truyền thống (chợ, tạp hóa…) bất ngờ tăng trở lại, trong đó một phần sức mua tập trung ở các điểm bán tự phát, chợ tạm. Kênh phân phối hiện đại sụt giảm, cùng với đó là xu hướng tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu hằng ngày hơn là hưởng thụ. Không chỉ hàng tiêu dùng xa xỉ mà hàng hóa ở phân khúc cao, hàng organic… cũng kén khách mua so với trước.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 tương đối xấu, nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị âm, còn lại nông nghiệp, dịch vụ chỉ tăng tương đương với trước dịch COVID-19. Nguyên nhân ngành công nghiệp suy giảm là do thiếu đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp cho nên đa số DN, nhất là khối DN có vốn nước ngoài, cắt giảm sản lượng.

Việc đơn hàng sụt giảm do DN phụ thuộc chính vào sức cầu bên ngoài, hầu hết mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như: điện thoại thông minh, điện máy, điện lạnh, dệt may, da giày, gỗ… đều bị suy giảm. Vì vậy, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể mạnh mẽ hơn, thuận lợi từ quý III trở đi.

Cần bàn tay “nhạc trưởng”

Ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, kích thích tổng cầu tiêu thụ nội địa rất cần bàn tay “nhạc trưởng” tập hợp và đưa ra giải pháp chung cho tất cả các ngành, các lĩnh vực. Song song đó là giải pháp tác động niềm tin người tiêu dùng, giúp họ an tâm mua sắm. 

“Giải pháp cần thiết lúc này là DN mạnh dạn bán cắt lỗ. Bên cạnh đó là định hướng lại công tác phát triển thị trường, hợp tác kích cầu chéo giữa các ngành hàng, lĩnh vực nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ” – ông Đức nói.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho hay giải pháp lúc này là DN phải “đi chợ” nhiều hơn, đặc biệt là các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành trong nước và thị trường gần nhằm tìm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng, đổi mặt hàng, đổi thị trường. Thông qua các kênh xúc tiến thương mại đó, DN sẽ có điều kiện giới thiệu sản phẩm, kết nối với khách hàng quốc tế lẫn người tiêu dùng trong nước.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết trong bối cảnh lạm phát diễn ra tại nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu cả nước, TP HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước đã liên tục đề ra các sáng kiến mang tính giải pháp bền vững để thúc đẩy hoạt động thương mại trở về quỹ đạo tăng trưởng vốn có. 

“Cuối tháng này, Sở Công Thương sẽ tổ chức Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TP HCM với thông điệp chính là Liên kết xanh – xuất khẩu xanh. Sự kiện được kỳ vọng tạo ra một điểm giao thương và quảng bá hiệu quả giữa các DN xuất khẩu với đại diện cơ quan nhà nước, các đơn vị mua hàng quốc tế và người tiêu dùng, qua đó mở ra những cơ hội mới cho DN” – ông Vũ nói.

Cũng nhằm mục đích mở rộng các hoạt động kết nối giao thương; giới thiệu các sản phẩm lương thực – thực phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM đang phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) tổ chức Triển lãm quốc tế ngành lương thực – thực phẩm TP HCM 2023 (HCMC FOODEX 2023) vào tháng 6 tới. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch FFA, bày tỏ tin tưởng triển lãm lần này sẽ tiếp tục mang đến cho DN sản xuất lương thực – thực phẩm TP HCM cơ hội giải quyết khó khăn về đơn hàng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, nhấn mạnh dù kết quả xuất khẩu ngành lương thực – thực phẩm những tháng đầu năm giảm sút nhưng nỗ lực của toàn ngành là đáng ghi nhận khi sản phẩm được xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới. 

“Nghịch lý là dường như nhiều sản phẩm tốt được ưu tiên xuất khẩu, còn thị trường nội địa lại bị bỏ ngỏ. Điều này, một phần do người tiêu dùng Việt thích hàng ngon – bổ nhưng lại muốn giá rẻ, một yêu cầu rất phi lý với nhà sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông để người tiêu dùng ưu tiên chọn mua hàng tại những nơi sản xuất – kinh doanh hợp pháp nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất chân chính” – bà Lan bày tỏ.

Tại hội nghị ngành góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh vùng Đông Nam Bộ mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ DN trong tiếp cận và mở rộng thị trường mới. Cụ thể, cần có chính sách chiến lược ở tầm quốc gia trong hỗ trợ DN giữ vững thị trường đang có cũng như mở rộng thị trường mới, bởi để tự bản thân từng DN vận động là rất khó. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-5

Giải quyết 3 câu chuyện lớn

Về các giải pháp hỗ trợ DN và nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định Chính phủ đã có những động thái chính sách tháo gỡ cho 3 câu chuyện lớn: Thị trường vốn (trái phiếu DN), bất động sản và đầu tư công. Những quyết sách rất quan trọng này không chỉ tác động thị trường bất động sản, ngân hàng mà còn hỗ trợ rất lớn cho các DN khác trong giai đoạn khó khăn. Cụ thể, việc hạ lãi suất, cả thị trường đã và đang giảm cả đầu vào và ra, thậm chí nhiều lĩnh vực khác hưởng lợi hơn ngành bất động sản. Đối với các ngành nông nghiệp, thủy hải sản…, các ngân hàng đang tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay bởi DN thuộc ngành này ít rủi ro hơn nên cũng được hưởng lợi.

Chính sách giãn, hoãn nợ của ngành ngân hàng cũng áp dụng cho toàn thị trường, chứ không chỉ cho DN bất động sản. Chính phủ đã quyết định dùng chính sách tài khóa nhiều hơn, tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm thuế và tổng mức ngân sách mà Bộ Tài chính đang đề xuất giảm lên tới 185.000 tỉ đồng.


Thanh Nhân – Thái Phương – Vương Ngọc