Thống kê của các quận, huyện, TP Thủ Đức gửi về Sở Công Thương TP HCM trong ngày 2-9 cho thấy sau cao điểm ngày 30-8 với gần 177.000 đơn hàng “đi chợ hộ” được đăng ký, lượng đơn hàng người dân gửi về các lực lượng hỗ trợ ở địa phương đã giảm về mức trung bình của những ngày trước đó, khoảng 90.000 – 100.000 đơn hàng. Tiến độ xử lý, giao hàng đã được cải thiện nhiều trong 2 ngày trở lại đây.

Theo Sở Công Thương, diễn biến trên là hợp lý bởi các hệ thống phân phối bán lẻ đã được tăng cường thêm nhân sự làm việc tại điểm bán lẫn giao hàng; cùng với đó, lực lượng shipper cũng đang tham gia tích cực vào việc vận chuyển hàng hóa từ điểm bán đến khách hàng. “Sau hơn 3 ngày được hoạt động trở lại trong điều kiện có rất nhiều hạn chế, ràng buộc, số lượng shipper tham gia chỉ mới ở quanh mức 10.000 nhưng số đơn hàng vận chuyển cao gấp hàng chục lần. Cụ thể, chỉ riêng ngày 1-9 đã vận chuyển được 196.000 đơn hàng, vượt tổng đơn hàng toàn bộ lực lượng “đi chợ hộ” của cả thành phố thực hiện ở thời điểm cao nhất (ngày 30-8 với gần 177.000 đơn hàng). Việc khai thác lực lượng này đã giúp giảm tải rất nhiều cho địa phương trong hoạt động “đi chợ hộ” và đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của người dân” – ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc cho phép shipper chuyên nghiệp hoạt động sẽ giúp giảm gánh nặng cho lực lượng địa phương đang “đi chợ hộ” người dân, quan trọng hơn là bảo đảm hàng hóa, thực phẩm đến tay người tiêu dùng kịp thời trong điều kiện “ai ở đâu, ở yên đó”. “Thành phố cần xem xét cho phép shipper được hoạt động liên quận để dòng chảy hàng hóa được thông suốt hơn, hàng hóa đến tay người tiêu dùng phong phú, đa dạng hơn” – vị chuyên gia nêu ý kiến. 


Thanh Nhân

Chia sẻ