Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Pi Network tạo cơn sốt

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang bị lôi kéo vào một mạng lưới gọi là Pi Network. Chỉ cần gõ tìm kiếm “Pi Network” trên mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, Youtube… có thể dễ dàng ra hàng loạt nhóm (group) về cộng đồng này với chiêu thức “Đào Pi Network! Công việc làm thêm”. Ở một nhóm công khai Pi Network trên Facebook, một thành viên Pi Network chào mời “mỗi ngày bỏ ra 5 giây để vào bấm điện thoại rồi cho tự hoạt động, không bỏ vốn, không tốn chi phí, tuy là làm thêm nhưng cơ hội nhận được một khoản cực lớn từ công việc này” kèm theo hướng dẫn đào Pi. Pi Network (công khai) hiện có khoảng trên 145.000 thành viên, Pi Network Việt Nam có khoảng 33.000 thành viên…

Pi Network liên tục vào top những ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên cả hai nền tảng Android và iOS. Theo giới thiệu, Pi Network là một loại tiền điện tử chỉ có thể được đào hay khai thác trên điện thoại di động, tương tự như dự án trước đây có tên “Electroneum (ETN)”. Điểm khác biệt là đào Pi coin không tiêu tốn tài nguyên thiết bị như những ứng dụng đào coin khác. Theo hướng dẫn, việc đào Pi có vẻ tương đối đơn giản: người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smart phone), tải ứng dụng Pi Networdk rồi tạo một tài khoản, mỗi ngày mở ứng dụng và ấn nút “Start” là bắt đầu quá trình đào Pi, ngay cả khi ngắt kết nối internet thì quá trình đào Pi này vẫn diễn ra. Sau khi đăng ký thành công, tài khoản của mỗi người dùng sẽ được 1 đồng Pi, số đồng Pi sẽ tăng lên theo thời gian. Tốc độ tăng mặc định ở giai đoạn đầu là 0,1 Pi/giờ, và sẽ tăng thêm khi người dùng mời thêm người khác cùng tham gia.

Tiền ảo không được coi là phương tiện thanh toán được pháp luật thừa nhận tại Việt Nam

Trao đổi với một chuyên gia công nghệ, ông này cho biết hiện vẫn còn nhiều tranh cãi trái chiều xung quanh đồng tiền ảo này, nhưng cũng không loại trừ đây có thể là một hình thức lừa đảo người dùng để khai thác và lấy cắp thông tin cá nhân. Như việc Pi Network đòi hỏi rất nhiều quyền riêng tư trên điện thoại, hay không công khai mã nguồn, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung, nếu lưu như vậy thì người quản trị có toàn quyền thay đổi mainnet (thuật ngữ được sử dụng trong thế giới tiền điện tử để biểu thị các mạng blockchain sở hữu các chức năng quan trọng. Mainnet cũng được là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền kỹ thuật số trên thị trường). Trao đổi với báo giới, TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng CMC – một chuyên gia về blockchain cũng cảnh báo Pi Network có dấu hiệu của lừa đảo, vì theo ông Tuấn “đào” là một quá trình được thực hiện để xác thực các giao dịch, nhưng nếu chưa có blockchain, chưa có giao dịch thì không xác định được đào xác thực cái gì?

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia giới công nghệ đều chung suy nghĩ phải đặc biệt cẩn trọng với Pi Network, vì “khi chưa biết đích xác đó là gì, mọi thứ đều rất mơ hồ thì không nên mạo hiểm để tránh bẫy rủi ro”. Pi Network chưa có đại diện pháp lý chính thức tại Việt Nam, đồng tiền này cũng không được pháp luật Việt Nam công nhận. Như vậy, nếu xảy ra rủi ro, thì người đầu tư vào Pi đồng nghĩa với việc cũng sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Tiền ảo không được pháp luật thừa nhận

Cho tới hiện nay, vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về tiền ảo trên thế giới. Cơ quan Quản lý Ngân hàng Châu Âu (EBA) định nghĩa tiền ảo là “một sự thể hiện giá trị dưới dạng kỹ thuật số không được phát hành bởi NHTW hay cơ quan nhà nước nào hay không nhất thiết được gắn vào một đồng tiền pháp định và được sử dụng bởi các thể nhân hay pháp nhân như là một phương tiện trao đổi, có thể được chuyển, lưu trữ và giao dịch điện tử”. NHTW Châu Âu (ECB) thì định nghĩa “Tiền ảo là một loại tiền số không có sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm – thường là người kiểm soát hệ thống, được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định”.

Không chỉ với Pi, mà Bitcoin, hay các đồng tiền ảo khác không được coi là phương tiện thanh toán được pháp luật thừa nhận tại Việt Nam. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú một lần nữa đã khẳng định tại họp báo Chính phủ mới đây rằng tiền ảo không phải đồng tiền pháp lệnh, không được coi là phương tiện thanh toán, pháp luật Việt Nam cũng không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 27/02/2014, NHNN đã ra cảnh báo các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Đồng thời, cảnh báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng và không nên đầu tư, nắm giữ, tham gia thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Bởi thế, việc sử dụng các đồng tiền ảo như Bitcoin làm phương tiện thanh toán hay làm các chức năng như đồng tiền tại Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.

Trên thực tế, cũng đã xuất hiện một số mô hình tiền ảo trá hình khác mượn danh tiếng Bitcoin để lừa đảo huy động vốn theo hình thức đa cấp như OncCoin, Aloscoin… từng xuất hiện ở Việt Nam.

Theo chuyên gia, cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quy định cụ thể về tiền ảo, tổ chức phát hành, quy định về giám sát cung ứng, giao dịch để tránh xảy ra những hệ luỵ khó lường cho người dân thường như lừa đảo, gian lận, rủi ro do tin tặc, biến động giá lớn, nguy cơ lạm dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố… gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Được biết, ba cơ quan là NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hiện đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cũng như cơ sở pháp lý cho việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Thêm vào đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh cần phân biệt để tránh nhầm giữa tiền ảo và tiền điện tử, và một trong những dấu hiệu rõ nhất là tiền điện tử có đủ ba chức năng của tiền là dự trữ, trao đổi và hạch toán. Tiền điện tử cũng phải được thể hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định của một quốc gia, được NHTW bảo đảm.

Theo Thời báo Ngân hàng