Ngày 6-10, Cục Hải quan TP HCM phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tọa đàm “Cục Hải quan TP HCM và DN đồng hành thực hiện EVFTA”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho biết TP hiện có 909 dự án của các DN Liên minh châu Âu (EU) được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỉ USD (không bao gồm nước Anh). EU cũng là thị trường xuất siêu truyền thống của TP HCM và là đối tác xuất khẩu thứ ba, đối tác nhập khẩu thứ hai của TP, với kim ngạch song phương đạt 15,44 tỉ USD. Việc EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa TP HCM tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU, mang lại nhiều cơ hội và lợi thế cho DN TP. Do đó, lãnh đạo TP luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao và cùng sở – ngành triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu nhằm khai thác chiều sâu đối với thị trường quan trọng này.

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Cục Hải quan TP HCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA”

Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, để hàng hóa tiếp cận được thị trường EU thì quy tắc xuất xứ, quy định kỹ thuật là những yếu tố quan trọng mà DN Việt Nam cần lưu ý, nhất là trong lĩnh vực thủy hải sản. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là thách thức cho DN khi xuất khẩu hàng hóa sang EU. Cơ quan quản lý chuyên ngành cũng phải nắm vững điều này để hỗ trợ DN. Chưa kể, các nhà nhập khẩu châu Âu quan ngại cả về giới và bình đẳng giới. Vì vậy, DN Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này để điều chỉnh cho phù hợp. “Tôi cho rằng sẽ có làn sóng mới đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới, vì nhiều tập đoàn đã có ý định sang Việt Nam mở rộng đầu tư sau khi EVFTA có hiệu lực” – ông Nicolas Audier nhận định.

Dưới góc độ cơ quan quản lý về hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan TP Đinh Ngọc Thắng cho biết trước và sau khi EVFTA được thực thi, cục đã chủ động xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ DN như tuyên truyền, tập huấn, giảng dạy cho cộng đồng DN về các nội dung liên quan đến EVFTA. Tổ chức thành công 2 hội nghị đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN Anh và EuroCham. Đồng thời, cải tiến chất lượng dịch vụ hải quan, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, an toàn, tạo thuận lợi thương mại cho DN xuất nhập khẩu với thị trường EU.

Trong thời gian tới, Cục Hải quan TP sẽ tập trung hỗ trợ DN, chống buôn lậu gian lận thương mại, phát huy tối đa vai trò người gác cổng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Cục Hải quan TP cam kết luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng cộng đồng DN với tinh thần cầu thị, nhằm nắm bắt ý kiến của DN liên quan đến chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế và thủ tục hải quan… Từ đó kiến nghị, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tiếp tục giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN, giúp DN yên tâm xuất khẩu hàng hóa theo EVFTA, sẵn sàng tham vấn chuyên sâu cho DN về EVFTA.

Có mặt tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành, đánh giá việc EVFTA thực thi là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là động lực để cơ quan hải quan đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định 111/2020/NĐ-CP vào ngày 18-9-2020 về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA, áp dụng cho các tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 1-8.

Hôm 8-9 vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA tại Quyết định 2298/QĐ-TCHQ. Theo đó, cơ quan hải quan đặc biệt nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm là: đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các nội dung cam kết có liên quan đến lĩnh vực hải quan cho các đối tượng có liên quan bao gồm cơ quan quản lý cấp trung ương, cơ quan thực thi tại địa phương và cộng đồng DN. 

Phải giữ chữ tín

Là một DN làm ăn lâu năm với các DN EU, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), cho rằng EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng tiêu dùng và cho người tiêu dùng tại Việt Nam, bởi các biểu thuế được giảm ít nhất 30%-40%. Thời gian tới, khi các khu miễn thuế mọc lên, Việt Nam có thể thu hút 100 triệu du khách đến đây mua đồ hiệu miễn thuế. Ước tính các khu kinh tế như Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Đà Nẵng sẽ tiêu thụ 3-5 tỉ USD/năm hàng hóa từ EU.

“Tuy nhiên, châu Âu không chấp nhận kiểu làm ăn “sáng nắng chiều mưa”. Với họ, chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định và lòng tin là rất quan trọng. Đặc biệt, người châu Âu quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng xã hội, trách nhiệm của chủ DN với người lao động chứ không chỉ chú trọng hàng hóa. Vì vậy làm ăn lâu dài với họ đòi hỏi DN Việt Nam phải giữ chữ tín” – ông Johnathan Hạnh Nguyễn lưu ý.


Bài và ảnh: Sơn Nhung

Chia sẻ