Cụ thể, trong năm qua, Cục Thú y đã lấy 1.909 mẫu giám sát một số sản phẩm xuất khẩu (ong, thịt gà, sữa tươi nguyên liệu), lấy 1.380 mẫu giám sát ATTP đối với sản phẩm động vật nhập khẩu không phát hiện vi phạm ATTP. 

Trong khi đó, đơn vị này lấy và phân tích 962 lượt mẫu thịt heo, thịt gà tiêu thụ nội địa đã phát hiện 128 lượt mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh và 1 mẫu vi phạm kim loại nặng (chiếm 13,4%).

Tỉ lệ thịt heo, gà nhiễm vi sinh còn cao do điều kiện vệ sinh nơi giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt hiện còn thấp

Theo nhiều chuyên gia về thú y, điều kiện vệ sinh nơi giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt hiện còn thấp là nguyên nhân khiến tỉ lệ thịt nhiễm vi sinh cao. Trước đây, các khảo sát độc lập cũng cho kết quả tương tự khi tại Việt Nam, tỉ lệ thịt “nóng” được bán với điều kiện nhiệt độ thường là chủ yếu, thịt mát được bảo quản lạnh tỉ lệ chỉ khoảng 10%.

Đối với sản phẩm nguồn gốc thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản đã lấy 2.916 mẫu thủy sản nuôi giám sát vệ sinh ATTP, phát hiện 49 mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép, chiếm 1,6% (tăng hơn năm 2021 là 1,39%); 5/350 mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phát hiện vi sinh vật (E.coli), chiếm 1,42% (giảm so với năm 2021 là 1,7%).

Đối với sản phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu giám sát ATTP 647 mẫu, phát hiện 6 mẫu vi phạm (tỉ lệ 0,92%).

Ngoài ra, các địa phương cũng lấy 35.506 mẫu nông – lâm – thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 1.384 mẫu vi phạm ATTP, chiếm 3,89%, giảm so với 4,2% năm 2021.


Tin-ảnh: Ng.Ánh