Riêng thị trường Trung Quốc, chỉ riêng tháng 4 đã xuất khẩu được 216 triệu USD; lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt kim ngạch 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% giá trị thủy sản xuất khẩu sang thị trường này, đạt 306 triệu USD, tăng 161% so với cùng kỳ năm 2021.

“Dịch bệnh bùng phát mạnh và chính sách “zero Covid” của Trung Quốc khiến cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc khi nhiều cảng nhập khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra Covid-19 với hàng đông lạnh ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, vì nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thủy sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc gia tăng mạnh, thu hút nhiều DN Việt Nam xuất khẩu sang đây bất chấp những thách thức trên.

Trong quý II, cùng với Mỹ, Trung Quốc là thị trường chính quyết định tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng tới. “Dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ đạt 2,8-3 tỉ USD, tăng khoảng 36%-38% so với cùng kỳ năm 2021” – VASEP nhận định.

Theo các chuyên gia trong ngành, sở dĩ ngành thủy sản xuất khẩu thích ứng được với chính sách “zero Covid” của Trung Quốc là nhờ có quy trình sản xuất chặt chẽ với nhiều DN quy mô lớn, đầu tư bài bản. Trong khi đó, ngành rau quả mới phát triển gần đây nên còn manh mún, nhỏ lẻ, những DN tham gia xuất khẩu có quy mô nhỏ nên khó khăn trong việc đáp ứng các quy định mới. Ngoài ra, còn yếu tố quan trọng là ngành thủy sản xuất khẩu sản phẩm cấp đông, hình thức xuất khẩu chính ngạch trong khi xuất khẩu rau quả là hàng tươi, thời gian bảo quản ngắn và nhiều lô hàng còn đi bằng đường tiểu ngạch.


An Na