Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra các mục tiêu chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, như “đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo…”.

Chương trình chuyển đổi số của TP HCM theo quyết định của UBND thành phố đã đề xuất mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP trên địa bàn. Hiện nay, 10 ngành được TP HCM ưu tiên chuyển đổi số, gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực.

Mục tiêu phát triển kinh tế số của Việt Nam và TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 gồm những trụ cột: nhân lực số; công nghệ số, hạ tầng số; thể chế số; kinh tế số trong lĩnh vực tài chính (công nghệ tài chính – Fintech). Dù Việt Nam và TP HCM nói riêng đã bước đầu xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số thông qua các chương trình, đề án nhưng chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực vẫn hạn chế.

Trụ cột quan trọng của kinh tế số là nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số của TP HCM. Phát triển công nghệ số, hạ tầng số còn hạn chế về thể chế và nguồn lực tài chính. Lĩnh vực tài chính cũng gặp nhiều rào cản về vốn và thể chế. Muốn phát triển hạ tầng số cần có nguồn lực tài chính nhưng trong bối cảnh thành phố chịu nhiều tổn thất do tác động của dịch Covid-19 sẽ là một thách thức trong việc tạo nguồn tài chính cho phát triển kinh tế số.

Dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, về tổng thể, kinh tế TP HCM vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Nhằm giải quyết khó khăn và thực hiện chương trình chuyển đổi số, thành phố cần lồng ghép với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2025. Bởi lẽ, những ngành ưu tiên phục hồi kinh tế cũng là những ngành lựa chọn ưu tiên chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến 2030 chiếm 40% GRDP, TP HCM cần các chính sách, giải pháp tạo nguồn lực phát triển các trụ cột. Về nguồn nhân lực, cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực số. TP HCM có thể đặt hàng các trung tâm khoa học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đào tạo lực lượng lao động có trình độ và thích ứng với nền tảng kỹ thuật số; đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số…

Phát triển công nghệ số, hạ tầng số cần cả khung pháp lý và nguồn lực. Về khung pháp lý, TP HCM có thể thực hiện các thí điểm mang tính đột phá. Trong phạm vi địa phương, TP HCM cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng bằng những quy định hấp dẫn thu hút các nguồn lực vào dự án phát triển công nghệ số, hạ tầng số; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tạo vốn kích cầu, ưu đãi giảm chi phí trong sử dụng dịch vụ công.

TP HCM là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước và đang hướng đến trở thành trung tâm tài chính quốc tế nhưng lĩnh vực Fintech phát triển còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng. Do đó, cần chính sách tạo vốn trên cơ sở hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ của TP HCM thông qua chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn tham gia với công ty khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái Fintech.

Thái Phương ghi


PGS-TS Trần Hùng Sơn (Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP HCM)