Ngày 5-8, tại TP HCM, VRG tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn đạt được một số kết quả tích cực như: sản lượng cao su khai thác tăng 11,9% (tương đương 13.842 tấn) so với cùng kỳ năm trước; doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 11.823 tỉ đồng và 2.597 tỉ đồng, tăng 2,4% và 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quang cảnh hội nghị VRG ngày 5-8

Dù các tháng cuối năm dự báo còn nhiều khó khăn như giá bán cao su thấp hơn cùng kỳ 2021, ngành gỗ thiếu nguyên liệu, mảng công nghiệp cao su tăng trưởng âm,… nhưng Tập đoàn quyết tâm khai thác tối đa các nguồn lực nhằm bảo đảm Tập đoàn có tăng trưởng trong năm nay.

Cụ thể, mục tiêu tổng doanh thu là 29.707 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.480 tỉ đồng, tăng lần lượt là 4,8% và 4,3% so với năm ngoái.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, VRG tiếp tục kiến nghị đưa sản phẩm gỗ và củi cao su thành hàng hóa như mủ cao su thay vì xem như tài sản cố định phải bị ràng buộc bởi đấu giá.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của VRG trong điều kiện giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng (giá xăng, dầu, phân bón), chi phí nhân công, tiền lương tăng, trong khi giá bán cao su có xu hướng giảm, lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp còn gặp khó khăn về chính sách, thủ tục đất đai…

Các doanh nghiệp cao su bị gặp nhiều vướng mắc khi sản phẩm gỗ cao su chưa được xem như hàng hóa thông thường

Liên quan đến kiến nghị hạch toán sản phẩm gỗ, củi cây cao su, ông Đỗ Hữu Huy thông tin Bộ Tài chính đang thực hiện sửa đổi Thông tư số 45/2013/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Trước đó, VRG đã chủ động mời các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham dự Hội nghị để xây dựng Đề án “Hoàn thiện cơ chế, chính sách hạch toán đối với hoạt động kinh doanh gỗ cao su”.

“VRG cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan hoàn thiện về quy định của pháp luật liên quan đến xác định thu nhập từ thanh lý gỗ cao su là thu nhập chính, tháo gỡ khó khăn trong công tác hạch toán gỗ, củi cao su” – ông Đỗ Hữu Huy đề nghị.

Theo Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khái niệm thanh lý cao su được điều chỉnh là thu hoạch gỗ cao su. Thời điểm thu hoạch gỗ cao su không lệ thuộc quá nhiều vào thời gian thu hoạch mủ như hiện nay mà có thể ứng xử linh hoạt để có hiệu quả cao nhất. Nếu giá mủ thấp sẽ khai thác gỗ sớm, ngược lại nếu giá mủ cao sẽ kéo dài thời gian thu hoạch mủ.


Tin- ảnh: Ngọc Ánh