Ngày 1-11, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) KCX-KCN TP HCM (HBA), thông tin đến thời điểm này đã có 95% DN trong các KCX-KCN của TP hoạt động trở lại, tỉ lệ lao động quay lại làm việc đạt 70%. Đại đa số DN đang tăng tốc sản xuất để trả các đơn hàng cũ, một số đã có kế hoạch cho đơn hàng mới.

Xuất hiện nhiều gam màu sáng

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho biết ông đang đi thực tế tại Đồng Tháp Mười để tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Những nhân viên khác ở bộ phận marketing cũng đang tất bật “đi thị trường”. 

“Thời gian qua, tiêu thụ phân bón gia tăng. Giá phân bón trên thị trường tăng chóng mặt nhưng Bình Điền chỉ điều chỉnh giá bán rất ít để hỗ trợ nhà nông, đổi lại sản lượng tiêu thụ rất tốt. Tính đến hết tháng 9, công ty đã vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 39% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021” – ông Tâm cho hay.

Các công ty chế biến thực phẩm đang chạy hết công suất để đáp ứng đơn hàng mùa cuối năm .Ảnh: THÀNH Ý

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các hội ngành nghề đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, nhựa, dệt may, thêu đan… cũng khá lạc quan trước những diễn biến thị trường sau 1 tháng TP HCM và nhiều tỉnh, thành nới lỏng giãn cách xã hội. Từ nguy cơ bị chuyển dịch đơn hàng đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ chế biến từ gỗ cho mùa Giáng sinh và Tết dương lịch 2022 sang các thị trường khác, hiện nhiều DN ngành này đã ký được nhiều đơn hàng lớn và gấp rút tăng ca cho kịp tiến độ.

Với ngành dệt may, hầu hết DN may mặc xuất khẩu đều có đơn hàng ổn định đến cuối năm và đầu năm sau. Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtek), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 – cho biết tình hình chung của DN trong hội là các đối tác mua hàng đều thông cảm, tạo điều kiện, thậm chí hỗ trợ DN tái sản xuất; chấp nhận cho kéo dài thời gian thực hiện các đơn hàng cũ và xúc tiến đơn hàng mới. 

“Việc vận chuyển nguyên liệu từ các nước, trong đó có Trung Quốc, về Việt Nam gặp một số trở ngại nhất định nhưng các DN đang phối hợp với khách hàng để thúc đẩy từng bước. Giá nguyên liệu cũng đang nhích nhẹ, ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất nhưng chưa phải là vấn đề lớn. 

Nhìn chung, chi phí sản xuất tăng đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của các DN nhưng mục tiêu, yêu cầu trước mắt của DN là làm sao giữ vững ổn định lực lượng lao động và sản xuất để chuẩn bị cho năm mới. Các DN cũng quan tâm đến đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại với hy vọng nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng sau khi thế giới kiểm soát được đại dịch” – ông Hồng cho biết.

Nan giải bài toán lao động

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN vừa tái lập hoạt động sản xuất đã phải sắp xếp tăng ca, thậm chí làm 3 ca, là do đơn hàng quá gấp trong khi lực lượng lao động thiếu hụt nghiêm trọng. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết tại Công ty CP May Sài Gòn 3, ngay khi TP nới lỏng giãn cách là khách hàng lập tức hối thúc đẩy nhanh tiến độ giao hàng, vì vậy công ty phải tổ chức tăng ca từ đầu tháng 10. Đến nay đã giao mấy triệu sản phẩm trả nợ cho khách hàng ở Nhật, Mỹ, giờ đang bắt tay sản xuất đơn hàng mùa đông.

Bà Huỳnh Kim Chi, người sáng lập Công ty Liên doanh Bột Quốc tế Intermix (thương hiệu Mikko), nói vui rằng bà đã cắn răng ngồi nhìn tiền rơi qua kẽ tay gần nửa năm qua. Trong thời gian giãn cách xã hội, công ty vừa thiếu nguyên liệu vừa không đủ nhân lực nên liên tục bị “cháy” hàng, đơn hàng gửi về tới tấp nhưng không thể đáp ứng. Đến nay, dù TP đã nới lỏng giãn cách, nguyên liệu đã nhập về đầy kho nhưng tình trạng thiếu hàng vẫn chưa được cải thiện. 

“Hai nhà máy của chúng tôi có khoảng 300 lao động nhưng nay chỉ còn khoảng 180 người vì một số công nhân còn ở quê, một số khác bị nhiễm Covid-19 không thể đi làm. Vì vậy, dù đã “vắt giò lên cổ” để chạy nhưng công suất cũng chỉ tương đương tháng 9 và giảm đến 30% so cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, đơn đặt hàng đã tăng khoảng 20%-30%, chúng tôi buộc phải từ chối bớt hoặc thương lượng kéo dài thời gian giao hàng. Đã có nhà phân phối đòi kiện vì chậm giao hàng” – bà Chi rầu rĩ.

Với tiến độ như hiện nay, bà Huỳnh Kim Chi tính toán sớm nhất là 1 tháng nữa, công ty mới hoàn tất các đơn hàng đang nợ. “Thế nhưng, tình hình rất khó vì công ty liên tục rao tuyển lao động mà không có ứng viên vì càng gần Tết, công ty nào cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động” – bà Chi nêu thực tế.

Tương tự, một số DN sản xuất mì gói, miến, phở cũng đau đầu vì dù chạy hết công suất vẫn chưa đủ sản lượng các mặt hàng chủ lực. “Chúng tôi đã bố trí công nhân làm 3 ca, vận động công nhân trở lại làm việc và tuyển thêm lao động nhưng áp lực sản xuất vẫn rất căng thẳng” – đại diện một DN sản xuất mì gói thông tin.

Ông Diệp Nam Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food), cũng xác nhận sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội, những ngành thâm dụng lao động bị thiếu hụt nhân công và rất khó tuyển mới. 

“Tại Cholimex Food, dù hơn 90% lao động đã quay lại làm việc nhưng công ty vẫn phải chạy đua với tiến độ. Chúng tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội bán hàng, chấp nhận mất doanh số nên 2 tháng cuối năm phải tăng tốc. Hai tuần đầu sau giãn cách, người lao động còn động thái thăm dò, tới nay mới bắt nhịp và chấp nhận tăng ca trở lại” – ông Hải thông tin.

Thay đổi cách tiếp cận khi có F0

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Bé cho hay một trong những mối bận tâm lớn của DN hiện nay là vấn đề kiểm soát, xử lý khi xuất hiện F0 trong công ty, đặc biệt là tại khu vực sản xuất. “Các DN rất mong từng KCX-KCN có khu thu dung để bất kỳ DN, phân xưởng nào có F0 sẽ có lực lượng cơ động đến ngay lập tức, giúp họ bóc tách F0 ra ngay và DN tiếp tục sản xuất” – ông Bé nói.

Trong khi đó, ông Diệp Nam Hải cho rằng cần có cách tiếp cận mới đối với dịch, căn bản là DN phải linh hoạt giải quyết tình huống và có những giải pháp để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt trong trường hợp diễn biến dịch trong công ty phức tạp để bảo đảm duy trì, ổn định sản xuất.


Thanh Nhân

Chia sẻ